Cảm phục nữ ''Tư lệnh hồi sức'' ngành Y Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 17:36, 03/03/2023
Lâu nay, giới chuyên môn ngành Y đánh giá Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo đóng vai trò là "người tiên phong", thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành Hồi sức cấp cứu của Việt Nam. Các đồng nghiệp vẫn trìu mến gọi chị với cái tên "chị Hai", hay "nữ tư lệnh hồi sức"...
Những đề tài khoa học mang tính mở đường mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo đã đóng góp có thể kể đến là "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh", trong đó, nghiên cứu "Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng" là đề tài mang lại nhiều hiệu quả và tính ứng dụng cao.
Thành công của đề tài nghiên cứu khoa học này đã giúp ngành Hồi sức cấp cứu cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng sống, góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng, chi phí chữa bệnh cũng như thời gian nằm viện của bệnh nhân. Đây cũng là kỹ thuật đã đạt Giải thưởng Nhà nước về nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, nghiên cứu ứng dụng lọc máu trong sepsis đã giúp chị nhận Giải thưởng Kovalevskaia dành cho nhà khoa học nữ.
Đặc biệt, đề tài "Ứng dụng kỹ thuật trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS) và viêm cơ tim cấp" do chị nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần tạo nên nhiều “kỳ tích” tại Việt Nam.
Là một trong những người tiên phong được cử đi học kỹ thuật ECMO tại Bệnh viện Đại học Regensburg (Đức), khi về nước cách đây hơn 10 năm, bác sĩ Thảo đã cùng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký triển khai kỹ thuật mới và đưa kỹ thuật cao này vào hoạt động thường quy trong chuyên ngành. Qua thực tế triển khai, kỹ thuật ECMO đã cứu sống nhiều bệnh nhân rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi.
Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo còn tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khác liên quan đến cấp cứu chấn thương, hồi sức ghép tạng, nhiễm khuẩn huyết... Chị là người có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tư cách là thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng thuộc Trung tâm Chỉ đạo, quản lý, điều hành hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của cả nước.