Nửa thế kỷ với sứa biển Hà thành

Xã hội - Ngày đăng : 11:04, 03/06/2007

(HNM) - Khi những ngày nắng nóng báo hiệu một mùa hè nhiệt đới sắp tới, người Hà Nội cất chăn bông, mặc áo cánh mỏng cũng là lúc mùa sứa biển có mặt rải rác các vỉa hè.

(HNM) - Khi những ngày nắng nóng báo hiệu một mùa hè nhiệt đới sắp tới, người Hà Nội cất chăn bông, mặc áo cánh mỏng cũng là lúc mùa sứa biển có mặt rải rác các vỉa hè.

Cái món sứa biển này mới nghe thì có vẻ như ăn vào sẽ mẩn ngứa, dị ứng khắp người. Nhưng với cách chế biến khéo léo, món sứa biển bỗng trở thành món ăn cực mát và không thể thiếu của không ít người Hà Nội sành ăn. Chả thế mà, quán sứa biển bà Hiền (46 Đường Thành) nổi tiếng với món ăn này cũng đã... 53 năm nay.

Bà Hiền năm nay đã 78 tuổi rồi. Bà mua căn nhà ở số 46 Đường Thành đến nay cũng đã 53 năm. Hơn nửa thế kỷ bà gắn bó với món sứa biển. Mùa sứa biển bắt đầu từ cuối tháng hai âm lịch, kéo dài cho đến khoảng rằm tháng tư là hết. Năm mươi ba mùa sứa biển đã trôi qua, những người Hà Nội là khách quen của bà hai ba mươi năm nay thì nhiều lắm. Món ăn chính của quán bà Hiền là bún ốc cơ. Món sứa chỉ bán kèm vào khi đến mùa nhưng nhiều người lại biết đến bà vì món sứa.

Con sứa khi được ngư dân đánh ở biển lên, họ ngâm vào nướchãm để sứa khỏi tan. Chở lên đến Hà Nội, bà lại phải ngâm tiếp trong nước hãm có thả mấy miếng vỏ chanh. Khi con sứa ngả sang màu hồng gụ như bã trầu, thân sứa trong veo, thịt sứa mềm là ăn được. Thông thường, bà Hiền cứ ngâm sứa khoảng 2 tiếng đồng hồ là có món sứa ngon rồi. Khách đến ăn sứa từ khoảng 11 giờ trưa đến tận 5, 6 giờ chiều mới hết. Mỗi ngày như vậy, bà bán hết tới hai ba chục cân sứa tươi.

Ghé chân thưởng thức món sứa biển ở quán bà Hiền. Mấy cô con gái, con dâu bà đon đả giống hệt mẹ. Bà khẽ nhặt miếng sứa vẫn đang ngâm trong thùng nước hãm. Dùng con dao tre làm bằng thân cây nứa cắt sứa thành từng miếng nhỏ độ hai đốt ngón tay. Cũng lạ, thịt sứa mềm là vậy nhưng phải cắt bằng dao tre hoặc dao inox thì ăn mới ngon, chứ nếu dùng dao sắt Đa Sỹ thì sứa dễ có mùi hơi tanh. Sứa biển ăn tươi với cùi dừa xắt mỏng, đậu Mơ nướng và vài nhành tía tô, kinh giới. Một miếng sứa biển, một miếng cùi dừa, miếng đậu nướng với rau kinh giới chấm khẽ vào bát mắm tôm.

Mùi vị của sứa biển thanh, nhạt mát mát gần giống như miếng thạch rau câu. Cộng thêm cái vị của mắm tôm kinh giới, sần sật của cùi dừa và mùi thơm của đậu nướng. Chỉ thế thôi mà cuốn hút vô cùng. Ăn một lần, muốn ăn lần nữa rồi nghiện lúc nào chả biết. Có ông khách ăn sứa của bà Hiền hơn 20 năm nay, cứ đến mùa sứa là chiều nào cũng có mặt. Người Hà Nội lạ lắm, cái món quà quê rẻ rẻ ấy mà khiến cho nhiều người mùa sứa này chưa qua đã ngóng chờ mùa sau tới.

Khách tới quán bà Hiền còn có niềm vui được biết đến một người Hà Nội gốc. Tiếng nói nhẹ nhàng, đon đả chiều khách, thanh lịch nhẹ nhàng nhưng không đến mức vồ vập. Hơn nửa thế kỷ trước, bà Hiền mua căn nhà ở phố Đường Thành, sinh liền mười đứa con và gắn bó với món bún ốc, sứa biển ngay trên vỉa hè trước cửa nhà. Cái cách bà pha mắm tôm cho khách cũng khác. Quả quất nhỏ xíu thế nhưng lại nhiều hột, bà vắt nó vào chiếc bát con, rồi chắt lấy nước vào bát mắm tôm, gạn bỏ hết hột quất. Mắm tôm màu nâu đỏ đánh bông lên cứ thơm lừng mũi. Có vị khách mua nhiều về cho gia đình thưởng thức, bà lại gửi theo con dao tre để “cắt sứa cho ngon, khỏi mất vị của sứa”. Rồi bà lại đi chẻ con dao khác, chiều khách đến thế thì ai đừng cho được !

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với bún ốc và sứa biển. Khách hàng của bà phụ nữ nhiều, đàn ông cũng lắm, bà Hiền thì bảo “bà chửa mà ăn sứa biển thì tốt lắm”. Mấy cô con gái, con dâu của bà cũng thừa hưởng được cái nết và cái khéo của mẹ, giờ cũng bán bún ốc, bún riêu, đông khách ra phết. Hà Nội đã đi qua gần hết thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Rồi một ngày mai sau, “kinh tế vỉa hè” có lẽ đến một lúc nào đó sẽ được quy hoạch lại hoặc mang một hình thức khác. Trong các nhà hàng sang trọng, món sứa biển cũng đã được đưa lên làm đặc sản trong hàng “Si phút”. Nhưng người Hà Nội sẽ không thể quên được món sứa biển ăn ngay tại vỉa hè. Món sứa biển đã chả có mặt ở cái vỉa hè ấy hơn nửa thế kỷ rồi đó sao !

Lê Hồng Quang

ANHTHU