Khắc phục bất cập trong quy hoạch nông thôn mới

Nông thôn mới - Ngày đăng : 06:19, 03/03/2023

(HNM) - Quy hoạch luôn được đặt ở vị trí hàng đầu, đi trước một bước để định hướng cho lộ trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là cơ sở cho việc lập đề án, chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, công tác quy hoạch hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần khắc phục để nông thôn phát triển bền vững.

Hạ tầng giao thông đồng bộ tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng).

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chương trình xây dựng nông thôn mới có 19 tiêu chí, trong đó tiêu chí đầu tiên là về quy hoạch. Qua các giai đoạn, yêu cầu về quy hoạch đã được bổ sung nhằm phù hợp với lộ trình xây dựng nông thôn mới và đô thị hóa.

Đánh giá chung kết quả thực hiện tiêu chí quy hoạch đến tháng 2-2023, cả nước có 93,6% số xã đạt tiêu chí quy hoạch; trong đó có 2 vùng là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có 100% số xã đạt tiêu chí quy hoạch. Vùng miền núi phía Bắc và duyên hải Nam Trung Bộ có tỷ lệ xã đạt tiêu chí quy hoạch thấp nhất (lần lượt là 85,3% và 92,3%).

Sau hơn 10 năm lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cả cấp huyện và cấp xã, bộ mặt nông thôn đã khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Tuy vậy, thực tế cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, nhất là trong việc quản lý quy hoạch. Hiện tại, một số địa phương có xu hướng “đô thị hóa nông thôn, đồng bằng hóa miền núi, bê tông hóa làng quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc truyền thống hoặc bị pha tạp… Một số công trình hạ tầng mẫu như nhà văn hóa, nhà ở,… được áp dụng một cách rập khuôn, cứng nhắc. "Dù những hạn chế này đã được cụ thể hóa trong nội dung của chương trình và bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 - nhiều nội dung được bổ sung thêm, nhưng một số nội dung hiện vẫn đang còn bỏ ngỏ như: Chưa có hướng dẫn xây dựng nông thôn mới đối với các khu vực ven đô, chưa lượng hóa được các quy định, hướng dẫn về kiến trúc nông thôn…”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết thêm.

Tại Hà Nội, qua công tác đánh giá, chấm điểm nông thôn mới nâng cao thời gian vừa qua cho thấy, thành phố đã triển khai thực hiện tiêu chí quy hoạch tương đối tốt. Các địa phương đều đã có quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cấp xã (còn thời hạn). Tuy vậy, với quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, một số xã vẫn chưa thực hiện xong. Bên cạnh đó, việc chỉnh trang, cải tạo các khu dân cư cũ trên địa bàn thành phố cũng chưa thực hiện được mà mới chỉ dừng ở các khu dân cư mới… Do đó, khi đánh giá, chấm điểm xã nông thôn mới nâng cao, nhiều xã đã bị trừ điểm tiêu chí quy hoạch.

Thành viên Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội khảo sát thực tế tiêu chí quy hoạch tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh).

Phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng

Vậy đâu là giải pháp để khắc phục các điểm yếu nêu trên, qua đó nâng cao hiệu quả việc xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới?

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021-2025 do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, một trong những giải pháp được nhiều địa phương triển khai là nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây được coi là đội ngũ nòng cốt trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch nông thôn cấp huyện, xã.

Với thành phố Hà Nội, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới có cách tiếp cận riêng. Từ thực tế đánh giá, chấm điểm xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội), thành viên Đoàn thẩm định nông thôn mới Hà Nội cho biết: Quy hoạch nông thôn của Hà Nội có 3 loại là: Xã trong nông thôn, xã trong đô thị và xã một nửa nằm trong đô thị, một nửa nằm trong nông thôn. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng và có hướng dẫn để các địa phương thực hiện từ năm 2017.

“Hiện nay, các quy định của Luật và các thông tư hướng dẫn đều đã có. Nếu các huyện có khó khăn, vướng mắc có thể làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để được hướng dẫn một cách nhanh chóng, cụ thể. Quan trọng là sự vào cuộc của các địa phương bởi trách nhiệm của cấp phê duyệt quy hoạch đối với cấp xã chính là UBND các huyện”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm.

Quy hoạch nông thôn phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, phải giữ được nét kiến trúc đặc trưng vùng miền của làng quê Việt Nam. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Trong quy hoạch, mỗi địa phương nên có những cách thức riêng để kể câu chuyện của mình, thể hiện sự khác biệt, độc đáo riêng có.

Nguyễn Mai