Phát hiện tính chất cư trú thời Đông Hán tại Thành Quèn (Quốc Oai)

Văn hóa - Ngày đăng : 10:48, 02/03/2023

(HNMO) - Thông tin từ Bảo tàng Hà Nội ngày 2-3, công tác khai quật tại di tích Thành Quèn (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã thu về một số kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là phát hiện những dấu hiệu chứng minh tính chất cư trú thời Đông Hán (thế kỷ I đến III).

Hai hố trong khu vực khai quật với tổng diện tích 19m2.

Đây là đợt khai quật đầu tiên được tiến hành tại khu di tích, do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện từ tháng 1-2023, nhằm làm rõ quy mô, tính chất, niên đại và vị trí của di tích trong lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành mở hai hố trong khu vực với tổng diện tích khai quật 19m2. Qua khai quật, các nhà nghiên cứu phát hiện ở hố thứ nhất, cách cổng đình làng Cổ Hiền khoảng 130m về phía Đông, có tầng văn hóa dày từ 70 đến 100cm. Rải rác trong tầng văn hóa có lẫn tro than củi, có chỗ tạo thành lớp tro than dày 1-2cm cùng nhiều mảnh ngói, gốm cứng và một số mảnh gốm men, gốm đất nung, tiền đồng Ngũ thù...

Tại hố khai quật thứ hai, cách cổng đình làng Cổ Hiền khoảng 130m về phía Đông Bắc, các nhà nghiên cứu phát hiện tầng văn hóa dày khoảng 100-110cm. Trong tầng văn hóa ken dày đặc mảnh ngói, gốm cứng văn in và một số mảnh gốm men, gốm đất nung và có 1 rìu đá mài. Ngoài một số cụm ngói và gốm, không phát hiện di tích kiến trúc hoặc di tích nào đặc biệt.

Công tác khai quật tiến hành từ tháng 1-2023.

Về di vật, cuộc khai quật di tích Thành Quèn đã thu được số lượng lớn mảnh vỡ của các loại hình vật liệu kiến trúc bằng đất nung và đồ gốm gia dụng. Trong đó, có số lượng lớn ngói cong, màu đỏ, hồng, vàng, xám mốc, đen..., độ nung cao thấp khác nhau và số lượng ít gạch mang đặc trưng kỹ thuật và hoa văn thời Đông Hán, tương tự với loại hình gạch ngói thời Đông Hán ở di tích Luy Lâu (Bắc Ninh) và Cúc Bồ (Hải Dương)...

Các di vật bằng gốm được phát hiện tại đây chủ yếu là gốm cứng, các mảnh vỡ từ bình, vò, bát…, mang đặc trưng chung của loại hình gốm thế kỷ I đến III, tương tự nhiều di vật được phát hiện từ các di tích thời Đông Hán ở miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có một số di vật thời Đông Sơn, thời Hậu Lê…

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, kết quả khai quật tại Thành Quèn cho thấy có thể nơi đây từng là huyện lị của một huyện thuộc quận Giao Chỉ thời Đông Hán. Hiện chưa phát hiện dấu tích và di vật thời Lục Triều và Tùy Đường. Những dấu tích tại đây cũng cho thấy, khoảng thế kỷ thứ X, khu vực này có thể được sử dụng làm trung tâm hoạt động của một lực lượng sứ quân, mà theo sử sách và dân gian có thể là sứ quân Đỗ Cảnh Thạc.

Nhiều dấu tích, di vật cho thấy tính chất cư trú thời Đông Hán tại khu vực.

“Di tích Thành Quèn phân bố tại khu vực xung quanh thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa. Quèn chính là tên nôm của thôn. Cuộc điều tra nghiên cứu khảo cổ học năm 1969 của Viện Khảo cổ học đã xác định Thành Quèn là căn cứ của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc thế kỷ X - tướng quân phò tá Ngô Quyền, được phong làm Thái úy. Cuộc khai quật di tích Thành Quèn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Bảo tàng Hà Nội nằm trong chương trình nghiên cứu lâu dài về thiên niên kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc Việt Nam”, Ông Nguyễn Tiến Đà nói.

Nguyễn Thanh