Chợ Đồng Xuân - một thời ghi nhớ

Xã hội - Ngày đăng : 09:40, 28/05/2007

(HNMĐT) - Có người ví nếu Hà Nội là một cơ thể thì bộ não của nó là Văn Miếu, hai lá phổi của nó là Hồ Gươm và Hồ Tây, quả tim của nó là đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, dòng máu chính là sông Hồng (tức sông Nhĩ Hà...

(HNMĐT)
- Có người ví nếu Hà Nội là một cơ thể thì bộ não của nó là Văn Miếu, hai lá phổi của nó là Hồ Gươm và Hồ Tây, quả tim của nó là đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc, dòng máu chính là sông Hồng (tức sông Nhĩ Hà), các sông khác là động mạch nhỏ, còn dạ dày của thành phố chính là chợ Đồng Xuân. (theo Nguyễn Văn Uẩn- Hà Nội đầu thế kỷ XX).

Từ nhiều thế kỷ trước, hai bên bờ sông Tô Lịch, chỗ giáp với bờ sông Nhĩ Hà, có cái chợ nhỏ, chỉ giống như cái chợ làng quê, người dân Thăng Long mang chút hàng hoá sản xuất được ra đây đổi trao, từ mớ rau, con gà, mớ cá đến chậu cây, cành đào ngày Tết… Đây là phường Đồng Xuân thuộc huyện Thọ Xương.

Phải đến năm 1889 của thế kỷ XIX, người Pháp mới chính thức xoá bỏ cái chợ quê kia đi, gom lại thành cái chợ lớn hơn, qui củ hơn. Lúc đầu cũng chỉ là bãi cỏ, cắm ít tre làm hàng rào cho gọn và tiện cho việc thu thuế. Chính thức là năm 1890 mới xây dựng 5 cầu chợ cao 18 mét, mỗi cầu dài 52 mét, có chồng diêm cho thoáng, lợp tôn múi, trên một diện tích khoảng một vạn mét vuông, có ba cửa chính, cửa phía trước ba ngăn, một cửa thông ra Hàng Chiếu, còn bên kia, cửa thông ra Hàng Khoai.

Chợ Bắc Qua mới có sau năm 1954, còn trước vẫn chỉ là bãi cỏ hoang hoặc bãi để xe ngựa bốc dỡ hàng và có một xưởng dệt mọc lên.

Năm 1995, chợ Đồng Xuân bị cháy, khi xây dựng lại, không giữ nguyên hình nữa, mà theo thời thượng, xây cao tầng cho thêm diện tích, nhưng bỏ đi hai cầu chợ cũ nên nhìn từ phía ngoài chỉ còn ba mái nhọn. Sau đó nữa, lấp đi cổng phía Hàng Chiếu, xoá chỗ giữ xe đạp, mở một phố mới lấy tên là phố Cầu Đông (không phải phố và chùa Cầu Đông xa xưa diễn ra câu chuyện trữ tình Tú Uyên gặp tiên Giáng Kiều qua bức tranh vẽ mà nên duyên).

Kháng chiến toàn quốc, chợ Đồng Xuân biến thành một pháo đài oanh liệt vẻ vang cùng chiến công bất tử. Chỉ một trung đội tự vệ mũ sao vuông, dao bầu gậy gộc mà đã đánh bật hơn 12 lần xung phong của cả tiểu đoàn quân Pháp và lính da đen, khiến chúng bị thiệt hại nặng. Cho đến khi Hà Nội giải phóng tháng 10 năm 1954, chợ Đồng Xuân vẫn trơ trọi trong nắng nóng. Nhờ phong trào Tết trồng cây mới có một ít gốc cây xà cừ vạm vỡ như sau này chúng ta thấy, trồng ngay trên phố Đồng Xuân, trước cửa chợ.

Chợ Đồng Xuân là chợ to nhất Hà Nội và nổi tiếng khắp nước, cũng vì thế mà nó thuộc loại to nhất nhì cả nước, như chợ Bến Thành, chợ Lớn của Sài Gòn, chợ Sắt của Hải Phòng, chợ Rồng của Nam Định, chợ Đông Ba của Huế, chợ Kỳ Lừa của Lạng Sơn.

Một thời, bước vào cổng chính của chợ, người ta gặp ngay một cái bàn của Tây ngồi quản lý và thu thuế cùng vài ba cảnh binh người da đen, tay cầm dùi cui, sẵn sàng đánh vùi đánh dập những ai len lỏi, làm mất trật tự hay trốn vé chợ. Mấy tên này còn tàn ác hơn cả tây trắng, dù chúng chuyên mặc quần áo trắng (quần soóc) đội mũ thuộc địa. Sau năm 1954, thay vào chỗ cái bàn là một tủ kính có sơ đồ trận đánh quân Pháp năm 1946 kèm theo ít hiện vật như con dao bầu, lưỡi kiếm, chiếc mũ sắt…Sau này chợ xây lại mới bỏ đi, thay bằng một bức phù điêu đồng phía Hàng Khoai.

Chợ Đồng Xuân đúng là cái dạ dày của Hà Nội, phần lớn là hàng hoá từ trăm phương đổ về, các món quà ngon, các sản phẩm từng để tiến vua… bán lẻ cho người Hà Nội, nhưng cũng là chợ đầu mối, chuyên bán buôn cho người cả nước và người Hà Nội mang đến các chợ khác như chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Dừa, chợ Bưởi, chợ Đuổi, chợ Khâm Thiên…

Người cả nước về thăm Hà Nội một thời, nếu chưa đến Hồ Hoàn Kiếm và đi chợ Đồng Xuân thì coi như chuyến đi chưa thành, chưa biết gì về Hà Nội. Thế càng biết Hồ Gươm cũng như chợ Đồng Xuân chiếm vị trí thế nào trong hồn Hà Nội.

Vào cổng chợ, đầu tiên, cũng giống như nhiều chợ quê khác, khách gặp ngay bà cụ bán nước trầu vỏ, có cái vồ to tướng đã tướp ra vì chặt vỏ chay nhiều quá. Bà cụ đã già, lại truyền chỗ ngồi cho con gái. Cạnh đấy là hàng hoa tươi, hoa mang từ Trại Hàng Hoa, Ngọc Hà Hữu Tiệp xuống, có hoa cắm trong xô, bó từng chục, xếp thành vòng hoa, mùa nào thức ấy, bước qua đây coi như nhẹ cả người vì hương hoa hồng, hoa nhài, hoa ngâu, hoa lan, hoa sen, hoa cúc…

Có thay đổi theo thời gian trong từng cầu chợ. Nhưng đại loại, 5 cầu chợ chính là bán tạp hoá, hàng khô, vải vóc, đồ đồng, đồ nhôm, hàng gia dụng…

Nằm trên một trục phố hoàn toàn buôn bán, nên chợ Đồng Xuân càng không thiếu một thứ gì phục vụ đời sống hàng ngày, thượng vàng hạ cám, có lẽ chỉ trừ loại hàng cồng kềnh như tre nứa, gỗ tròn, áo quan…

Ai cần cái kim sợi chỉ đến những thứ cho một đám cưới linh đình, một đám khao to tát… cứ vào chợ Đồng Xuân là có hết. Ai cần mọi thứ sơn hào hải vị, từ măng lưỡi lợn, nấm hương, trầm hương, mật ong rừng, củ mài đến hải vị như cá thu, mực nang mực ống, tôm he đang bơi hay đã phơi khô xâu thành từng xâu cho các bà nội trợ Hà Nội làm cỗ Tết, có đủ. Con cà cuống có mùi thơm ma quái cho món bún thang, nước mắm chấm bánh cuốn Thanh Trì hoặc thứ nước mắm rươi đã ngấu, chiếc nem chua, nem chạo, thứ “giò Chèm nem Vẽ” hay nem Phùng đặc biệt, đều được thoả mãn.

Có những bà ngồi bán hàng truyền từ đời mẹ sang đời con, ngồi hết năm này qua năm khác, lúc nào cũng quần lĩnh, áo phin nõn trắng, tay đeo vòng cẩm thạch, khuyên tai vàng choé lâu lâu được tắm nước hoa hoè sáng như mới. Vì ít hoạt động, nên có những bà ngồi xuống đứng lên đều khó khăn, đi lại càng chậm chạm hơn, có người nói vui, có bà to béo đến nỗi ngồi xích lô phải ngồi hai chiếc, mỗi xích lô chở một bên đùi (ấy là tiếu lâm nói mà thôi). Phần lớn có phần hơi cổ, bà nào cũng khăn vuông nhung, khăn vấn, nhiều bà vào thế kỷ XX còn vấn trần có đuôi gà, như trong tranh của lớp họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương. Qua 5 cầu chợ, toàn các bà ngồi bán hàng như thế. Nhưng thực ra, đi lượn đôi ba vòng mới thấy hết, phía trong các cầu chợ có phần xô bồ, ướt át hơn, đó là các hàng tươi sống, tôm cá ở các vùng quê, ở Hải Phòng đưa về. Cua đồng còn dựng trong cái chậu nhôm đường kính to hàng mét. Cá quả, cá rô đang bơi, các bà luôn tay vẫy vẫy bàn tay trong nước cho cá thở (thời ấy chưa có máy xục oxi). ếch thì hàng xâu, con nào cũng bị buộc ngang lưng, khoe bộ đùi mập mạp, mà có khi cả xâu đều nhảy theo một con khoẻ nhất, dù không nhảy được xa. Có những rổ ốc nhồi, ốc bươu, ốc đá, ốc vặn bán theo cân cho người ta mua về nhà, cũng có khi để bán cất, bán buôn cho các nhà bán bún ốc…

Cũng gần gũi với các dãy hàng này là dãy hàng la ghim, tức hàng rau quả (phiên âm từ chữ L’égume là rau, tiếng Pháp) với mọi thứ rau, từ rau muống thông thường đến rau cần tây, tỏi tây, xu hào, bắp cải là rau cao cấp. Cũng không thiếu nõn măng tây, củ su su Tam Đảo, bí ngô to đùng, bí xanh to bằng lợn con, các loại hành ta thành tây, hành hoa hành khô cùng là riềng tỏi, gừng, sả… Mọi miền quê có thứ rau gì thì chợ Đồng Xuân cũng có thứ ấy. Đặc biệt người Hà Nội ưa dùng rau gia vị, nên chợ Đồng Xuân không bao giờ thiếu rau húng Láng (mọi người quen gọi là rau Thơm), rau mùi cùng những đặc sản của làng Láng như tía tô, thì là, húng quế, kinh giới…Quãng này bao giờ cũng ướt át, dù không tanh tưởi như khu vực hàng tôm cá. Khu vực này, người bán hàng hình như vất vả hơn, có phần lam lũ hơn, cũng khăn vuông vắn vấn, nhưng nhiều bà xắn ống tay áo lên tới khuỷu, chân thường đi đất, áo nâu là chính. Hình như công việc đã buộc các bà, các chị phải đi ăn vận xuềnh xoàng như thế.

Cũng gần với khu vực này và giống như hàng trăm nghìn chợ quê các miền xa gần, chợ Đồng Xuân không thể thiếu các hàng quà, nói cách khác, quà Hà Nội luôn gắn liền một chút gì đó với chợ Đồng Xuân.

Phố nào cũng có phở, bún riêu, bánh rán, bánh gai, bánh trôi bánh chay, cả hàng nước chè, hàng thạch đen, thạch trắng, nhưng vào chợ Đồng Xuân, khó mà bỏ qua dãy hàng quà trong chợ. Có hàng bánh rán đường, bánh rán mật, bánh rán Tàu (rỗng ruột, viên nhân bánh còn lóc bóc khi ta lắc nó). Có thứ bánh cốm, bánh gai, bánh xu xê khác hẳn bánh cốm nhà Nguyên Ninh hay xu xê Đình Bảng, bánh gai Ninh Giang. Đây là loại bánh rẻ tiền, chỉ gói nửa chừng, gói bằng lá dừa gấp lại, bao xung quanh, còn mặt trên và mặt dưới lộ ra màu sắc ngay trước mắt khách. Bánh gấc thì đỏ au, cong lên như chiếc gối bông. Bánh gai thì đen huyền còn lộ ra những hạt vừng như những ngôi sao trên vòm trời đêm. Bánh cốm xanh rờn, vuông vức, xếp lên nhau thành từng chồng, đẹp mắt, mỗi chiếc bánh nào cũng lồng khồng những sợi mây trắng, đó là cùi dừa nạo nhỏ, nhỏ như tơ tóc. Thứ quà nào cũng ngon, và ít ai lại không ăn quà, một thứ gì đó, ngọt hay mặn. Tháng ba có đĩa bánh trôi bánh chay sực nức hương hoa bưởi hay sao mà làm người ta nhớ đến quê xa, ngày đình đám, bánh bày ngay ra ven đường, ngon như ngày hội lễ… Quà mặn cũng không thiếu. Bánh đúc riêu cua, bánh đúc nóng, bánh đúc nộm, rồi bún riêu cua, canh bún cua, bún cá, rồi phở bò phở gà, rồi cháo trai cháo hến… bánh cuốn nóng, canh bánh đa… đúng là những món quà chợ quê đã trải qua nghìn năm sàng lọc thời gian, về đến Hà Nội nó vẫn giữ nguyên hình và hương vị.

Đặc biệt tới những năm 50, có món bún thang bà ẩm là một đặc sản Hà thành. Làm món bún thang không dễ. Phải có nghề, có đầy đủ nguyên liệu và cũng cần kỹ thuật công phu, ăn lãi không nhiều để tín nhiệm, để có khách quen. Bún thang cần một thứ nay quá hiếm: Hương cà cuống. Bà ẩm bán quà bún thang từ thuở còn con gái bán trong cửa hàng lớn ở phố Cửa Nam. Một thời, hầu như những người từ công chức đến ông thông, ông phán, thầy giáo, đại gia, nhà buôn lớn, cứ chủ nhật là kéo nhau lên chợ Đồng Xuân ăn bún thang bà ẩm. Hàng chục năm, cha mẹ già thì con cái lớn lên, tiếp tục nếp sống ấy.

Mà hàng dãy quà này làm gì có bàn ghế sang trọng. Đèn thì chỉ mờ mờ nhân ảnh. Không khí thì ồn ào, ngột ngạt. Bàn chỉ là cái chõng tre, đan kín xung quanh thành cái chạn. Mặt chõng là giát tre, bày đủ thứ. Bát ô tô, bát con gà, đũa không mới. Ghế ngồi chỉ là ghế băng dài, gỗ đã cũ, có cái còn xộc xệch, phải kê chân cho khỏi cập kênh. ấy vậy mà tính cách ưa hào hoa thanh lịch phong nhã của người Hà Nội bỏ đi đâu mất, vào đây là chấp nhận cái bình dân, thông thường. Chắc vì món bún thang ngon quá, nói như Vũ Bằng là “ngon không chịu được”.

Bên những hàng quà ấy còn có cả những hàng nước. Chè tươi bao giờ cũng nóng, vàng ươm, đặc sánh, uống bằng bát, ai thích uống đường thì nhà hàng rót nước chè vào cốc thuỷ tinh, thả vào đấy chiếc cùi dìa. Nước vối trong, hơi đắng nhưng rồi ngọt giọng. Đặc biệt ngoài cửa chợ có cô hàng nước chuyên bán nước cho người bình dân, với thứ thuốc lào Vĩnh Bảo qua cửa hàng Giang Ký, chiếc điếu cày luôn được truyền tay nhau, toàn dân “áo cánh” nhưng chân tình. Chuyện này đã được nhà văn Thạch Lam viết thành bài “Hàng nước cô Dần”- một tuyệt tác về Hà Nội không kém gì khi ông tả màu xanh rau cỏ tươi mát đưa từ bên kia sông sang, từ ngoại ô về, nơi nghỉ tạm là chợ Đồng Xuân.

Cho đến những năm 1954 (năm này dễ làm cái mốc cho nhiều sự kiện Hà Nội) cửa chợ Đồng Xuân còn một dãy quà bằng gỗ, chân khá cao. Phía trên mái chợ rủ xuống là những màn cửa đủ màu, từ xanh đỏ, đến kẻ sọc, kể cả bằng bao tải để che đỡ cái nắng chiều hôm (chợ Đồng Xuân cửa chính nhìn ra hướng tây). Trên mặt quầy là những cô gái, phần lớn là trẻ, đẹp, cô nào cũng mặt hoa da phấn, trắng ngần tươi xinh, niềm nở, tai, tay và cổ đều lấp lánh ánh vàng nét ngọc (thật hay giả thì chưa cần biết). Cô nào cũng ngồi sau một cái tủ nhỏ lót nhung đỏ, trong bày hàng vàng. Đó là thứ vàng giả, vàng Mỹ Ký (do ông Mỹ Ký nghĩ ra). Chỉ cần số tiền ngang một bát phở hay bữa cơm bình dân, đã có ngay cái nhẫn, cái xuyến, cái kiềng. Đeo ít bữa nó gỉ, nó nhạt mầu, vứt đi mua cái khác, không sao.

Dưới gầm quầy này, ban ngày im ắng, nhưng chiều đến và nhất là đêm, nó biến thành những căn buồng ấm cúng và kín đáo cho dân cầu bơ cầu bất, dân trèo me trèo sấu, dân vác cờ đám ma thuê, dân hành khất các nẻo đường… Họ kiếm ăn, tối về đây, buông cái màn che bằng bao tải xuống sát mặt hè, thế là xong, là có chỗ ngủ, không vướng bận đến ai, từ các cô bán hàng Mỹ Ký trên đầu họ lúc ban ngày đến tên cảnh binh da đen ác như quỷ ở cổng chợ suốt ban ngày…

Sau này, khi bắt đầu cải tạo công thương, để thêm mỹ quan, người ta mới dẹp bỏ dãy quầy cao lênh khênh này, dẹp luôn nạn tá túc bừa bãi ấy đi.

Chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất Hà Nội, nó sinh ra từ mấy trăm năm, nhưng tuổi chính thức của nó mới ngoài trăm chút ít. Nó để lại ấn tượng sâu sắc trong hồn người Hà Nội và cả người khắp chốn. Tết, nhiều nơi về Hà Nội sắm tết, không thể nào không đến chợ Đồng Xuân, mua miếng bóng bì, ít miến tàu, xâu tôm he, bánh pháo mãn đình hồng, cân mứt sen, gói chè tầu Chính Thái… Không vào chợ Đồng Xuân thì chưa gọi là sắm tết đầy đủ. Bước sang thế kỷ XXI, Hà Nội phát triển nhiều chợ xanh chợ cóc, thì chợ Đồng Xuân bán buôn là chính, không kể phục vụ người dân quanh đó.

Từ thức ăn hàng ngày đến đồ dùng lâu dài, đều có. Chợ Đồng Xuân còn có cả khu vực bán chim cảnh, cá cảnh, chó con, mèo con, khỉ con, bồ câu, chim yến chim sáo…cạnh một khu vực ngược lại, thanh tao, không hôi hám, không ồn ào, là cây xanh, cây cảnh…

Có thể mua mèo con để khỏi phải xuống chợ Mơ hay lên chợ Bưởi xa hơn. Cũng có thể mua hoa quỳnh non, cây trắc bách diệp về trồng ở góc vườn, củ su su làm giống, cái mầm đã nhú như cái lưỡi thập thò giữa đôi môi… Không thiếu một cây gì, con gì, có lẽ chỉ trừ hổ báo hay cây lim già.

Cứ nghĩ lẩn thẩn, không hiểu năm chợ Đồng Xuân bị cháy rụi, thiêu trụi tất cả, cháy suốt một đêm, khi lửa lan ra dãy hàng chim cảnh, con vật làm cảnh này, chúng nhìn lửa và thấy nóng, chúng kêu gào ra sao, biết cái chết đến mà không lối thoát, không ai mở cửa cho chúng chạy đi. Khổ thân cho những con vật xấu số ấy đến chừng nào!

Tuy vậy, truyền thuyết về chợ Đồng Xuân cũng có đôi ba điều không tốt lắm. Một thời, người ta kháo nhau đi chợ phải cẩn thận vì không đâu nhanh bằng “kẻ cắp chợ Đồng Xuân”. Đúng vậy, chợ nhiều lưu manh lắm, và chúng xuất quỷ nhập thần nhanh lắm. Đây là nơi chúng kiếm ăn bất chính, giống như lúc có chính quyền phải ra tay dẹp bọn đầu gấu yêu tinh Phúc Bồ và Khánh Trắng vậy.

Một tệ nạn nữa là các bà hay nói thách. Buổi sáng vào chợ, hỏi mua mà không trả giá thì dễ bị bà bán hàng mắng lắm, ít ra thì cũng bị đốt vía cho khỏi xúi quẩy. Mà trả giá thì không biết thế nào, dễ bị “hớ” lắm. May thay, chợ văn minh dần, nạn này đã bớt, tuy nhiên cũng chưa hết hẳn đâu.

Chợ Đồng Xuân giống mọi chợ khác là ồn ào suốt ngày, cũng nồng nặc hơi người hơn nhiều chợ quê khác. Xưa chợ Đồng Xuân cũng có ngày phiên. Nay ranh giới đã bị xoá mờ, vì ngày nào chợ cũng họp từ sáng đến chiều. Khoảng 17 giờ là chợ đóngcửa, có người canh gác để bảo vệ. Bắt đầu sang năm 2004, chợ Đồng Xuân có thêm “Chợ Đêm” nhưng vì mới, còn cần tổ chức khéo nên chợ đêm này chưa có gì đáng kể, chưa gây được ấn tượng trong lòng người Hà Nội và du khách.

Dù sao chợ Đồng Xuân cũng là một điểm đánh dấu gương mặt Hà Nội qua nhiều thế kỷ, đáng vào đấy đôi lần.

Băng Sơn

LANHUONG