Loa made in Lạc Đạo
Kinh tế - Ngày đăng : 10:03, 27/05/2007
Kho thành phẩm: khó có thể phân biệt loa Lạc Đạo với hàng chính hiệu.
Nghe đâu, chỉ một thôn làm loa này mà cung ứng đủ cho cả triệu người tiêu dùng.
Làng loa
Đầu thôn Ngọc (Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên), tai đã nghe inh ỏi. Cả thôn huyên náo với đủ thứ âm thanh bát nháo: cải lương, rốc, ráp, chèo, tuồng lẫn tiếng máy cắt xèn xẹt.
Xưởng chị Thoa là cơ sở có tiếng nhất làng, theo chị tự giới thiệu. - Đang định làm đại lí, tham khảo xem giá cả, hàng hóa thế nào. - Tôi cũng tự giới thiệu. Anh nhân viên bán hàng nhà chị Thoa, mặt rõ trẻ, đon đả hẳn. Bằng giọng chắc nịch, anh chàng bảo, làng này nhà nhà làm loa nhưng cũng có dăm ba bẩy đường. Tìm đến nhà anh là đúng địa chỉ. Nhà nọ, nhà kia còn bỏ đơn đặt hàng vì không đủ khả năng làm, chứ nhà anh chưa từ chối khách bao giờ: - Loa đặt xưởng này, chất lượng âm thanh không thua kém gì hàng chính hiệu, mẫu mã thì đều như dập máy. Mọi thương hiệu, California, Kenwood, Bose, BMB hay Denon xưởng này đều có. Giá cả lại cực kì cạnh tranh, chỉ khoảng vài chục phần trăm so với hàng xịn.
Thợ xưởng chị Thoa (lại chị giới thiệu), cũng có trình độ nhất làng. Lương họ nhận khá cao, khoảng triệu, triệu rưỡi mỗi người một tháng.
Qui trình sản xuất ở làng loa thế này: Nhập tất tần tật, từ linh kiện, phụ tùng đến vỏ, hộp về lắp ráp. Những nhãn mác có sẵn cũng được nhập về, nếu không các xưởng tự sản xuất. Hàng xịn, linh kiện, phụ tùng xịn. Ngay đến cái vỏ, để cho thêm phần uy tín, các xưởng nhập gỗ từ nước ngoài, hoặc Ma-lai-xi-a hoặc In-đô-nê-xi-a. Linh kiện được nhập về từ Trung Quốc. Còn hàng chợ, yêu cầu có bớt khắt khe hơn.
Xưởng chị Thoa nom khá tuềnh toàng: Rộng chừng vài chục mét vuông, trụ nhà xưởng làm bằng cột sắt, mái làm từ tôn hoa. Ngổn ngang vỏ hộp, vỏ thùng, bừa bãi mùn cưa, dăm cuộn, đề can, thùng cát-tông... Anh nhân viên ma-két-ting bảo đây là khu vực sản xuất nên thế, chứ tiềm lực nhà anh dư sức dựng lên cả chục tầng. Nhưng ở khu lắp ráp nom cũng không hơn: Gian nhà cấp bốn tường long vữa lở. Góc nhà là khu thẩm định hàng. Nền la liệt mỏ hàn, nhựa thông, loa lắp dở... Các công nhân đang hoặc điều chỉnh âm thanh hoặc hí húi hàn gắn... Đem catalogue hàng ra giới thiệu, anh chàng quả quyết: - Chỉ cần chọn kiểu, kí hợp đồng, đặt cọc xong, nhà em giao hàng đúng hẹn, không trễ nửa phút. Cơ sở bảo hành ba tháng.
Ruộng đồng bỏ ráo, dân thôn Ngọc đổ xô làm loa. Gọi là làm chứ thực ra là lắp ráp, vì linh kiện, phụ tùng, các nguyên liệu phụ trợ khác đều phải nhập. Mỗi nhà trở thành một xưởng con con. Nhà làm ăn tốt, lập xưởng lớn, có nhà lập hẳn Cty TNHH tiện bề cho giao dịch. Nhà nào kém hơn, vốn còm thì hoặc làm vệ tinh, gia công cho xưởng khác hoặc cứ túc tắc mà tiến. Không rõ số Cty ở làng này là bao nhiêu nhưng chỉ một buổi giả đò tìm hàng lập đại lí, tôi tha về một xấp cạc-vi-dít toàn giám đốc.
Chị Thoa khoe: - Mỗi ngày, xưởng chị xuất cả trăm sản phẩm các loại. - Xuất đi đâu? - Đủ cả! - Chị Thoa thủng thẳng: - Hà Nội này, các tỉnh nữa, nhưng chủ yếu là khu vực phía Bắc. Nói em không tin chứ Hàng Bài, chợ giời Hà Nội nhập hàng của chị đầy. - Tôi dạ ran rối rít, xin chị Thoa một cái các-vi-dít: - Em cũng thấy người ta giới thiệu thế. Nhưng nhà em ở quê, buôn bán có thuận không? - Thì hàng này bán ở quê mới chạy tốt chứ. Có nhiều giá, rất phù hợp với người tiêu dùng.
Thôn Ngọc giờ có tới cả trăm xưởng cỡ nhà chị Thoa, quãng vài chục Cty. Vì thế, người ta gọi làng loa bằng cái tên khác, làng TNHH.
“công nhân” làng loa
Quân, công nhân một xưởng bảo: - Ngày nào xưởng này cũng nhập hàng. Ngày một xe, ngày hai xe, cao điểm tới dăm xe. Dịp hè, dịp Tết, xưởng làm không hết việc. Chạy mệt nghỉ? - Lương lậu thế nào? - Có hai kiểu, hoặc “ăn tháng” hoặc “ăn khoán”. Anh nào được việc, nhận khoán có khi tháng cũng kiếm được đôi triệu.
Anh chủ xưởng Quân làm bảo: Cứ phải dán nhãn mác ngoại vào người tiêu dùng mới thích chứ để tem made in Lạc Đạo, cam đoan đi đâu cũng gặp. Em lói anh hay tất cả các xưởng Hà Nội đều do chúng em cung cấp linh kiện, nhãn mác, thậm chí do chính chúng em hoàn thiện.
Không biết thực tế thế nào chứ xưởng nào ở đây cũng khoe bỏ hàng khắp miền Bắc. Có xưởng bảo còn là đầu mối cho các đại lí miền Trung, miền Nam. Miền Nam thế nào tôi không chắc chứ bảo bỏ mối miền Trung thì không tin được vì hàng nhập lậu từ Thái Lan bán còn không hết. Quân cũng khẳng định, thị trường chủ yếu của loa made in Lạc Đạo là khu vực nông thôn: - Nhu cầu của người tiêu dùng khu vực này không cao, không cầu kì nên sản phẩm loa Lạc Đạo có chỗ đứng. Ngoại trừ các quán karaoke kiên quyết không về đây nhập hàng.
- Một thôn làm loa, danh xa bốn cõi. - Chị Thoa tự hào. Thực ra, giờ nhiều người cũng biết tới loa Lạc Đạo. Hoạt động sản xuất ở đây đang phát triển theo hướng làng nghề, nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Những xưởng như chị Thoa không biết đến vấn đề sở hữu công nghiệp, cũng không cần biết đến bản quyền thương hiệu là gì: - Có nhu cầu chúng tớ làm. Thì có cầu ắt sinh cung mà lại.
Loa made in Lạc Đạo chẳng có thương hiệu nào được đăng kí ngoài thương hiệu kiểu truyền tai. Nhưng những xưởng làm loa thì ăn nên làm ra trông thấy. Giờ ít ai nhận ra làng loa cày cấy chục năm trước vì khắp đầu làng cuối xóm nhan nhản nhà xưởng, Cty TNHH. Các ngôi nhà mang phong cách đại gia thì sẵn, chen vai thích cánh. Ông chú tôi ở quê, sau khi đi buôn trúng quả, quyết định đầu tư dàn âm thanh, cả hai vợ chồng tìm đến Lạc Đạo. Về quê, ông giới thiệu cho hàng xóm. Ông hàng xóm lại giới thiệu cho người nữa. Nhoằng cái, mới đây ông hàng xóm ấy mở một đại lí loa made in Lạc Đạo ngay đầu phố huyện. Hồi về chơi, tôi ghé vào, hoa mắt vì toàn Kenwood, California nhập khẩu từ Mỹ về cứng cựa...
Chị Thoa cười thật thà: - ừ, đại để con đường thâm nhập thị trường của loa Lạc Đạo là như thế.
Nguyên Bình