Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:18, 02/03/2023

(HNM) - Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản. Đây là xu thế phát triển tất yếu để đổi mới tập quán canh tác truyền thống, qua đó nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, đưa nông sản Việt vươn tầm quốc tế.

Quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa đã được ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai trên diện tích 900ha. Đây là diện tích đã được quy hoạch gọn vùng gọn thửa, thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết, hợp tác xã đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất trên quy mô 20ha trồng lúa. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử Egap… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh.

Từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, như: Sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) Nguyễn Thị Lý cho hay, việc tiêu thụ nông sản của hợp tác xã thuận lợi hơn, mỗi năm đạt từ 150 đến 200 tấn na. Cùng với đó, hợp tác xã đã chủ động số hóa trong quy trình quản trị, điều hành như chuyển đổi sử dụng phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử…

Bộ NN&PTNT đã xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng và chuẩn bị triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản vào cuối năm nay. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, việc chuyển đổi số giúp sản xuất nông nghiệp giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng… Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao.

Hỗ trợ hạ tầng thông tin, dữ liệu

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân nhiều hạn chế; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Mặt khác, chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp còn nhiều bất cập, khó tích hợp đồng bộ.

Để khắc phục những khó khăn trên, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho rằng, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ hợp tác xã về hạ tầng kết nối thông tin, hạ tầng dữ liệu để áp dụng vào sản xuất; đồng thời sử dụng công nghệ số trong việc kết nối thông tin, giao dịch thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hợp tác xã. Mặt khác là hỗ trợ hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế hợp tác… Qua đó góp phần quan trọng vào việc đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn và hướng đến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với Bộ NN&PTNT kiện toàn Trung tâm Chuyển đổi số nông nghiệp để có đơn vị chuyên trách đủ về năng lực. Cùng với đó, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp để đưa chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Dữ liệu trong ngành Nông nghiệp rất lớn, vì vậy, muốn chuyển đổi số phải có dữ liệu thực để tiến hành số hóa. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai chương trình hợp tác về chuyển đổi số. Các đơn vị của Bộ NN&PTNT cần tiếp tục thực hiện Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhưng rà soát việc gì có thể làm trước, việc gì làm sau để thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, cần phải xã hội hóa để tiết kiệm được nguồn lực trong thực hiện chuyển đổi số và áp dụng ngay được vào sản xuất hằng ngày…

Có thể nói, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi nhận thức của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để quá trình  này đạt hiệu quả cao hơn nữa, người sản xuất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số (từ 3 đến 5 năm) và xác định những nền tảng cần có theo đặc thù sản xuất của đơn vị. Các ngành chức năng hỗ trợ đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin giúp hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý tốt hơn đầu vào - đầu ra, giảm chi phí sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngọc Quỳnh