Đào Việt Lập - “Số tôi gắn với wushu”
Thể thao - Ngày đăng : 09:04, 20/05/2007
(HNM) - 10 năm sau chức vô địch thế giới Wushugiành được tại Italia, cái tên Đào Việt Lập vẫn được giới chuyên môn nhắc đến trước mỗi kỳ Wushu Việt Nam bước vào một cuộc đấu lớn. Đơn giản là năm ấy, Đào Việt Lập đoạt chức vô địch ở hạng cân có võ sĩ Trung Quốc tham dự - chuyện hiếm khi xảy ra tại các kỳ cuộc Wushu quốc tế. Bây giờ 32 tuổi, chững chạc trong vai trò Phó Chủ nhiệm CLB Wushu Hà Nội, mỗi khi nhắc đến kỷ niệm này, Đào Việt Lập vẫn nhớ từng chi tiết.
“May mà bị bạn bắt nạt”
Nghe cứ như đùa nhưng như Đào Việt Lập kể thì đúng là nếu không bị bạn bè bắt nạt hồi lớp 5, có lẽ anh đã không tìm đến võ thuật. Dạo đó, năm 1987,đứng giữa lớp cậu bé Lập đã tuyên bố một câu sặc mùi giang hồ, thường thấy trong phim chưởng - thể loại phim đang thịnh hành ở Việt Nam khi đó: “Tao sẽ đi học võ để về trả thù”.
Nói là làm, cậu bé xin theo tập Thiếu Lâm Côn Luân. Được học múa quyền, múa binh khí cậu bé đâm ra yêu thích tập võ. Và cũng như bao đứa trẻ khác, nói trước quên sau, cậu quên luôn cả chuyện trả thù. Tập Thiếu Lâm Côn Luân được một dạo, Lập tìm đến trường thể thao 10-10 theo tập môn phái Ngũ Đài Sơn. Thi đấu giải nội bộ của trường, Lập thắng hết, nhận giải thưởng đầu đời là bánh xà phòng, bàn chải đánh răng và chiếc khăn mặt. Cầm giải thưởng trong tay, cậu bé bị bạn bắt nạt năm nào mừng rơn như bắt được vàng.
Năm 1992, Sở TDTT Hà Nội tuyển VĐV Wushu nội dung đối kháng. Các thầy ở trường 10-10 nghĩ ngay đến việc giới thiệu Lập cho bộ môn Wushu. Dạo ấy, lớp Lập có 5-6 người được đưa vào lớp Wushu nhưng sau này chỉ còn Đào Việt Lập theo được. Ngay cả khi theo tập Wushu Đào Việt Lập cũng không nghĩ đến việc chọn Wushu làm nghiệp. Ngay từ lúc học THPT, Lập vẫn cố học văn hóa thật tốt, để ra trường còn có một tấm bằng coi được.
Theo tập Wushu, phải đầu tư nhiều thời gian hơn, hi sinh nhiều hơn. Trong khi các bạn cùng đội, thường học ở trường Văn hóa thể thao Quần Ngựa tập vào 5h30 thì Lập đã từ nhà (phố Láng Hạ) đến nơi tập từ lúc gần 5h bảo đảm tập sớm hơn các bạn 30 phút. Tập xong sớm hơn các bạn từng ấy thời gian, 7h sáng lại mồ hôi mồ kê nhễ nhại hối hả tắm rửa rồi sấp ngửa đến trường văn hóa ở gần nhà. Với lịch tập như vậy, nhiều hôm đến lớp Lập bị cảm vì tắm nước lạnh (nơi tập luyện chỉ có vậy).
Cũng may được các thầy ưu ái nên Đào Việt Lập chỉ phải tập 2 buổi/ngày thay vì 3 buổi/ngày như nhiều đồng đội. Vì vậy Lập mới tốt nghiệp THPT một cách suôn sẻ để ít nhất cũng như bố mẹ cậu thường nói: “Bây giờ muốn đi làm bảo vệ người ta cũng phải có tấm bằng cấp 3 con ạ”.
Lên ngôi
Chiếc huy chương đầu tiên trong đời VĐV của Đào Việt Lập là HCB Giải Hà Nội mở rộng năm 1993. Người đánh bại Lập trong trận chung kết 56kg là Mai Thanh Ba, cao thủ số 1 hạng cân này và sau đó từng giành chức vô địch thế giới. Có lẽ lúc ấy, Mai Thanh Ba cũng chưa nghĩ rằng Đào Việt Lập sẽ là người kế tục xứng đáng của mình. Còn với Lập, thua đàn anh lừng lẫy như vậy là chuyện bình thường nên hoàn toàn vui vẻ để ép cân thi đấu hạng 52kg dù thích thi đấu hạng 56kg nhất. Vậy mà Lập cũng kịp đoạt HCV Giải vô địch Đông Nam Á lần thứ nhất năm 1995. Phải đến năm 1996, Lập mới trở lại thi đấu hạng 56kg tại Giải vô địch châu Á. Không vô địch giải này nhưng trận đấu với nhà vô địch hạng cân này sau đó là Huang Xi Ling (Trung Quốc) được coi là một trong số ít trận đấu của giải châu á, thế giới phải phân định ở hiệp thứ 4 (bình thường trận đấu chỉ phân định sau 3 hiệp).
Hành trình lên ngôi vô địch thế giới tại Italia của Đào Việt Lập năm 1997 không suôn sẻ tí nào. 4 võ sĩ Tán thủ Việt Nam thi đấu trước Lập đều thất bại nhanh chóng khiến chuyên gia Lương á Đông (Trung Quốc) thất vọng não nề. Thất vọng về kết quả thì ít, thất vọng vì tinh thần, ý chíthi đấu là nhiều. Đến độ ông cứ ngồi bệt ở phòng tập, bỏ cả ăn, thỉnh thoảng lẩm bẩm: “Có chân, có tay tại sao lại không đánh ?”.
Hành trình của Lập thực sự khó khăn từ vòng tứ kết gặp một cao thủ Đài Loan - Trung Quốc. Sau khi thắng hiệp 1, Lập bị đối thủ đánh gục ở hiệp 2, đầu óc choáng váng. Sau cú choáng đó, mắt võ sĩ Việt Nam hoa lên, nhìn 1 thành 3 và thế là cứ nhằm người ở giữa mà đánh. Thắng trận ấy nhưng Lập về phòng trên lưng đồng đội Trần Đức Trang, bỏ cả ăn bởi cứ thấy thức ăn là buồn nôn. Đêm ấy mở mắt ra thấy Giám đốc Sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang, HLV Danh Tuấn, Xuân Thi đang bàn nhau cho cậu VĐV của mình đi chụp não, mai nghỉ thi đấu, Lập vội khẩn khoản: “Cháu vẫn đánh được, mai cho cháu thi đấu tiếp”. Tưởng học trò có “vấn đề”, HLV Đặng Danh Tuấn lo ngay ngáy hỏi đi hỏi lại: “Lập ơi có làm sao không”. Một lúc sau nghe học trò trả lời minh mẫn tất cả mới yên tâm.
Hôm sau Lập thắng võ sĩ Hàn Quốc vào chung kết với võ sĩ Trung Quốc. Trận ấy, nghe lời thầy, Lập đánh hết mình với tâm lý thoải mái (bởi trước đó chuyện thua võ sĩ Trung Quốc là bình thường). Đó lại là bất ngờ với võ sĩ Trung Quốc. Đến hiệp 3 bị một cú đá của đối thủ vào mặt,võ sĩ Trung Quốc không thể thi đấu tiếp. Trọng tài tuyên bố Lập thắng tuyệt đối. Còn Đào Việt Lập không thể tin vào chiến thắng của mình. Đến nỗi vào phòng thay quần áo, Lập cứ ngồi im, không dám ra vì sợ trọng tài gọi vào… đấu lại.
Minh Quang (Còn nữa)