Vài nét về trang phục qua các thời kỳ (II)

Xã hội - Ngày đăng : 10:08, 17/05/2007

(HNM) - Đến năm 1831, dưới thời Minh Mệnh, triều Nguyễn bỏ tổng trấn, bỏ Bắc Thành, đặt lại tổng đốc cho tỉnh mới có tên Hà Nội. Hà Nội không có vua ở nữa, các cửa ô không còn trạm lính gác, nhà ở cũ của quan lại vắng teo, nhưng cách sống của người Kinh Kỳ không vì thế mà thay đổi. Lối áo cài khuy bắt đầu xuất hiện, hầu hết khuy đồng đều do các cửa hiệu Hoa kiều làm.

Đầu thế kỷ XX, khi người Tây sang nhiều, mốt mới du nhập vào vẫn còn phải giằng co với cái cũ một thời gian dài nữa. Nam giới và những người đi làm việc với Tây bắt đầu mặc áo cổ cồn, nhưng khí hậu nóng bức nên đành nghĩ ra kiểu cổ lá sen đính phía dưới chứ không may liền vào áo. Trong khoảng từ 1918 đến 1930 thì các kiểu áo, mũ, giày biến đổi rất nhanh và pha tạp các mốt khi Pháp quay lại chiếm Hà Nội.

Lúc ấy mọi thứ vải lụa đều mua ở phố Hàng Đào. Trừ gấm vóc dệt bằng tơ nhuộm rồi còn khi đưa ra bán vẫn còn để mộc màu vàng hay trắng bệch của tơ, sau khi mua buôn các thợ cửi mới nhuộm hàng. The là thứ hàng dệt bằng tơ, thưa mát, nhuộm thâm mặc khoác bên ngoài. Lĩnh khổ hẹp, sợi mịn, một mặt bóng nhoáng giống như sa tanh, nổi tiếng nhất là lĩnh Tây Hồ, cả nam và nữ đều dùng may áo nhưng lĩnh chỉ để cho nữ may váy hay quần thôi. Nam giới mặc quần vải, phong lưu hơn thì dùng lụa trắng. Người cầu kỳ, ngoài the còn may áo bằng sa-xuyến-băng. Sa dệt rất mỏng, dùng làm áo ngoài để khoe áo trong. Xuyến cũng như the nhưng sợi mau xen lẫn sợi thưa, trông như mành mành. Băng dệt như mạng cầu, trong suốt hoặc lác đác hoa. Mùa lạnh, người ta chuộng nhiễu, đó là một thứ lụa dệt bằng cách xe sợi lại, nên dày và nổi cát. Khăn đội đầu làm bằng lượt, một loại tơ dày mịn, rất mềm. Riêng những nhà giàu hay những kẻ muốn tỏ ra sang trọng còn dùng đoạn (cũng như lĩnh nhưng dày hơn), vóc (là đoạn mỏng có hoa dệt bằng sợi đồng màu), gấm (dệt hoa sặc sỡ, có khi bằng kim tuyến, ngân tuyến), cố y (là áo cũ, may cho khách đến dự các đám cưới xong nhuộm lại đem bán). Ngoài những đồ cao cấp trên còn các loại vải khác như vải rồng (mỏng và trong, may áo mùa hạ), vải xô (dùng may tang phục), vải màn (dùng may rèm, mành)... Cách sử dụng màu sắc trong trang phục để khoe ý thích của mình, bày tỏ tâm ý và đôi khi cũng vì cái tiếng của gia đình nữa. áo tùy màu đen hay trắng; quần nam của người khá giả màu trắng, người lao động màu nâu, phụ nữ hầu như chỉ mặc váy hoặc quần màu đen. Màu phổ thông trong nhân dân vẫn là gam nâu (nhựa củ nâu nhuộm vừa bền màu vừa bền vải). Kể cả nhà giàu cũng dùng màu nâu nhưng chất liệu bằng the, bằng đũi. Màu cánh kiến (pha đỏ và nâu) được các bà già, bà góa ưa dùng, ngoài ra các cụ còn có màu tam giang (pha giữa nâu và đen) nhã nhặn cho cả khăn và áo. Vì thế, ngày thường cứ nhìn màu áo là có thể phân biệt được: dân lao động màu nâu, dân trung lưu màu đen, dân sang trọng màu tam giang.

Nói về phục trang của người Hà thành không thể thiếu chiếc nón, mà chỉ ở phố Hàng Nón mới bàn đủ loại. Bình dân nhất là nón culi (nón của dân lao động, lót mo nang dày kiêm việc múc nước, đi chợ, làm ghế ngồi); nón thuyền chài (bọc cót mỏng và cứng); nón lính (dùng cho đủ loại lính khố đỏ, khố xanh, khố vàng); nón Nghệ (to như cái thớt đại, cao 10-12cm, rộng 1m, chuyên dùng cho người buôn bán ở chợ); nón ba tầm (dùng cho các bà vãi đi lễ chùa); nón dứa (làm bằng lá dứa mỏng tang, trong suốt, khâu bằng dây cước nhỏ khéo như dệt); nón Kỳ Anh (làm bằng một loại lá gồi nhỏ mọc trong rừng sâu). Đàn ông, đàn bà Hà thành đều đội nón dâu, ở quê đội nón sọ nhỏ, người hầu hạ đội nón cạp; đàn ông thường dùng nón dứa, nón sơn và nón lông, đàn bà dùng nón nghệ, nón nam và nón thượng quai thao.

Cánh nam giới may mặc đơn giản, lấy chất vải sang làm nền nhưng cánh nữ cầu kỳ hơn ở cách may. Kiểu áo đơn giản nhất là tứ thân, có bốn vạt, hai vạt trước để ngỏ, hai vạt sau khâu liền. áo diện Tết thêm một vạt nữa để có thể cài khuy được nhưng chẳng ai cài mà chỉ buộc thắt lưng để giữ chặt và lại nổi rõ lưng ong. Các bà buôn bán hay nhà giàu còn thích đeo vào thắt lưng một bộ xà tích bằng bạc bao gồm ống vôi, quả đào con đựng thuốc lào, cái ngoáy tai, chìa khóa... lúc đi kêu loảng xoảng thu hút sự chú ý. Nam giới mặc áo ngắn năm thân và cài khuy đồng hay khuy tết, còn nữ giới tập mặc áo cánh mãi mới xong: đầu tiên mặc ở bên trong, rồi mặc vào buổi tối, sau cùng mới đem ra mặc ban ngày. Mặc áo thành nhiều lớp gọi là mớ ba, mớ bảy. Các mệnh phụ phu nhân còn mặc đến cả mớ chín. Những chiếc áo này may khó và khéo ở chỗ: khi đi, khi ngồi gấu áo không thò ra ngoài, nhưng chỗ tà áo thì mỗi chiếc thò ra một tý, xòe các màu ra khoe một cách kín đáo. Cuối cùng là chiếc yếm, có thể là yếm vải hay yếm lụa nhưng không ai bán yếm may sẵn cả, ngay cả giặt yếm cũng phơi chỗ kín. Thường phụ nữ mặc yếm trắng, dịp hội hè có thể dùng yếm đào, yếm đỏ, yếm hoa hiên. Cổ yếm may công phu nhất. Cổ xây là một vòng tròn, khâu tỷ mỷ, vòng khít lấy cổ và tôn cao cổ lên, đằng sau buộc hai dải mái chèo, phần dưới yếm là hai dải to dùng như thắt lưng cốt để nổi rõ cái lưng ong.

Ngoài những trang phục thường dùng còn có phẩm phục của vua quan, nhung phục của quân lính, lễ phục của thường dân. Phẩm phục là đồ mặc những khi triều hạ lễ bái, gồm có áo mũ đai măng, xiêm, ủng. Vua và các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm đều phân biệt màu sắc, chất tơ lụa gấm vóc cùng kiểu vẽ, cách thêu. Nhung phục của võ quan cũng khác màu tùy phẩm tước. Lễ phục thường dân có mũ, ô sa, áo giao lĩnh, hia ủng vải, thứ nào cũng màu nâu cả. Về tang phục, quy định chung là: con trai, con gái, con dâu đội khăn sô, mũ chuối, mặc áo sô, ngoài buộc sợi gai, thắt dây lưng bằng chạc. Cháu nội đội mũ mấn, khăn trắng, áo thụng trắng, người thân thuộc cũng vận đồ trắng; Khi cư tang, con cái phải ăn mặc nhớp nhúa để tỏ ra thương cha mẹ mà tiều tụy. Tang chủ càng ăn mặc tồi tàn, càng được thiên hạ khen, điều này cho thấy đạo hiếu thời đó quá câu nệ nghi lễ. Sau này, cách trang phục thay đổi, nhất là ở thành thị. Một số người trí thức làm cho Tây thì ưa dùng ô hơn, trông tân kỳ, không những mưa nắng đều tiện mà còn có thể làm gậy đánh chó được. Dân Hà thành vẫn dùng cả guốc, dép và giày. Guốc có guốc gỗ đế, guốc tre, guốc gỗ khắc. Dép bình dân quai ngang đơn giản nhất: có mỗi cái đế bọc da mộc, ở giữa có quai ngang và thêm một vòng da nhỏ để xỏ ngón chân cái vào. Giày da lợn dùng cho học trò, giày Gia Định cho khách ăn chơi, giày mõm nhái cho các bà, các cô. Đàn ông dần dần ít đội nón mà dùng ô (dù), người theo tân học vận quần áo, giầy mũ kiểu Tây. Đàn bà con gái tân thời không đội nón mà chỉ đi ô và mặc quần áo mốt. Về phẩm - nhung - lễ và hiếu phục vẫn giữ theo lối cổ, duy những người ăn mặc cách tân thì dùng lễ phục và hiếu phục kiểu Tây, quần áo nỉ đen và băng đen ở tay và mũ....

Phạm Hoàng Điệp (Còn tiếp)

ANHTHU