Phố Hàng Chiếu
Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 17/05/2007
Nhà số 63, Hàng Chiếu
Thế kỷ XIX đây là thôn Thanh Hà, huyện Thọ Xương. Đình của thôn này cho tới những năm đầu thế kỷ 19 ở chỗ gần kề cửa ô. Đến năm 1817 sửa cửa ô, mở rộng thêm đường nên đình phải dỡ, được rời vào chỗ nay là số 77 Hàng Chiếu (nhưng mặt chính lại quay ra Ngõ Gạch, chỗ số nhà 10). Đình thờ ông Trần Lựu, tương truyền là tướng triều Trần.
Thời Pháp thuộc, từ cửa ô trở ra đến đường Trần Nhật Duật người Pháp đặt tên là phố Chiếu Cói (Reu des nattes en jonc) từ cửa ô trở vào đến ngã tư Hàng Đường gọi là phố Giăng Đuy-puy lái buôn súng kiêm gián điệp lập thương điếm ở đầu phố này (chỗ nay là trường Trần Nhật Duật) rồi mở đường cho việc Gác-ni-ê hạ thành Hà Nội năm 1873 thì dãy phố này là nơi bọn lái buôn và thực dân tới lui tấp nập. Và do vậy, sau khi Pháp chiếm hẳn Hà Nội (1883) thì đây là dãy phố đầu tiên chúng chú ý mở mang.
Năm 1888 có một đám cháy lớn thiêu trụi cả dãy phố. (Ai cũng bảo là do bọn thực dân tay sai phóng hỏa). Thế là, thực dân ngoài việc chiếm nhiều đất mở cửa hàng (các nhà số 60, 62, 64 là hãng xuất nhập khẩu Đô-ren, các nhà 74, 76, 78 là hãng vải sợi Ma-nha-ba v.v...) còn bắt dân phố phải xây nhà theo vạch thẳng hàng, phố có vỉa hè, trồng cây hai bên, có cột đèn ban đêm thắp bằng dầu tây, tức là một dãy phố khác hẳn các phố thời ấy nên dân gọi là Phố Mới (Ai không xây được nhà gạch thì thực dân mua lại với giá đất rẻ).
Như đã nêu trên, phố Hàng Chiếu vốn thuộc thôn Thanh Hà, nhưng đó là đời Nguyễn. Đời Lê khi kinh thành Thăng Long chỉ gồm 36 phố phường thì đây là phường Đông Hà. Sang triều Nguyễn lập ra làng Thanh Hà song tên phố vẫn giữ, vì vậy Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Phố Đông Hà bán chiếu trơn, có tên nữa là Hàng Bát”. Thế thì vào thời điểm đó, ngoài mặt hàng chiếu cói ra, phố Hàng Chiếu còn bán cả bát nữa? Cũng có thể thế được. Vì chiếu và bát đều là những mặt hàng do đường sông mà nhập vào Thăng Long, chiếu từ vùng biển Kim Sơn, Phát Diệm và bát từ Bát Tràng, Móng Cái... Mà phố Hàng Chiếu thì ở kề ngay ngã ba sông Cái, sông Tô. Nhưng sang thế kỷ XX thì chỉ thấy bán chiếu.
Cũng thời gian này, quãng cuối phố bên dãy phải chỗ ngõ rẽ vào chợ Đồng Xuân, thời Pháp thuộc có thể coi là vết nhơ của Hà Nội hoa lệ, vì đó là chợ đưa người. Dân ngoại thành ngoại tỉnh nghèo túng bỏ làng ra Hà Nội kiếm việc tụ tập ở đây đủ loại người, đủ lứa tuổi. Ai cần thuê vú sữa, vú già, con nhài, con sen, con nụ, luôn sẵn. Ai cần thuê trai kéo xe, thằng quýt, bõ già, cũng sẵn lắm. Người đi thuê thường qua một kẻ môi giới là một mụ nạ dòng lọc lõi ngoa ngoắt hoặc những chủ hàng cơm chứa trọ, nơi tá túc của những người dân nông thôn nọ. Cũng có cả những mụ Tú Bà, chủ nhà hát, nhà chứa tới đây kén các “con em” về huấn luyện thành các loại kỹ nữ. Ông Vũ Trọng Phụng đã lặn lội hàng tháng trời ở đây để viết về cái chợ buôn người này trong thiên ký sự Cơm thầy cơm cô.
Cũng tại phố này thời Pháp thuộc còn có cả một ngôi nhà làm khối người khuynh gia bại sản: đó là nhà cầm đồ Vạn Bảo, ở bên dãy lẻ, chỗ ngã tư Hàng Chiếu - Hàng Giày, (nay là 3 tòa nhà liền nhau mang số 63 vốn là Sở Lương thực Hà Nội. Tòa nhà rộng và sâu suốt sang phố Ngõ Gạch). Chủ là người Hoa, cho vay bằng cầm đồ lấy lãi. Túng tiền, nhà quê cũng như thành phố, giàu nghèo mang đủ mọi thứ đến cầm (rồi chuộc), từ áo quần, nồi niêu, kể cả đồ thờ và nữ trang, vòng xuyến ngọc ngà. Đây là một nhà máy “chém” vì cho vay rất nặng lãi: 1 tháng lãi 2% tức là một năm lãi 24%. Quá hạn dù một ngày là mất.
Đối với lịch sử Thủ đô hiện đại, phố này cũng chứng kiến một sự kiện đặc biệt. Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Hàng Chiếu là một trung tâm của Liên khu I và đứng vững cho tới đêm ngày 17-2-1947 là đêm Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra ngoài Thành phố. Thời gian đó, giữa lúc Liên khu I đang là một chiến trường ác liệt mù mịt khói súng thì đúng tối mùng Một Tết Đinh Hợi (tức ngày 22-1-1947), một bữa tiệc với đầy đủ phong vị Tết do Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô tổ chức tại số nhà 87B phố Hàng Chiếu (là nhà của gia đình ông Ngô Lê Động, sau là liệt sỹ) với danh nghĩa là chiêu đãi lãnh sự Mỹ, Anh, Trung Hoa (Quốc dân đảng) cùng đại biểu các ngoại kiều nhưng thực chất là để tập hợp các đại biểu này lại, giải thích cho họ biết tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của ta, đồng thời cũng là để họ tận mắt thấy khí thế và thực tế vững mạnh của Liên khu I, gián tiếp bác bỏ luận điệu tuyên truyền của giặc Pháp là Liên khu I đang kiệt quệ, Trung đoàn Thủ đô đang tan rã. (Vì một số gia tộc lớn nên nhà 87B Hàng Chiếu thông sang các nhà 11+13 Hàng Đường và 14+16 Ngõ Gạch, đều là của gia đình họ Ngô và ông Động khi đó chỉ huy tự vệ thành, đã hy sinh ngày 24 tháng Giêng năm ấy ngay tại vị trí chiến đấu 7 Hàng Đường).
Nguyễn Vinh Phúc.