Gỡ khó trong giải phóng mặt bằng, tái định cư

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 01/03/2023

(HNM) - Tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh có một số dự án lớn đang bị đình trệ do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do những bất cập trong chính sách đền bù, giải tỏa. Hai địa phương đang áp dụng và đề xuất nhiều giải pháp giải quyết vấn đề này.

Dự án đường tránh phía Tây thành phố Đà Nẵng chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Nhiều vướng mắc

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, hết năm 2022, tỷ lệ giải phóng mặt bằng các dự án tại Đà Nẵng không cao. Cụ thể, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 32/218 dự án, đạt 14,67%; xử lý 2.259/14.372 hồ sơ đền bù giải tỏa, đạt 15,7%…

Tính đến tháng 2-2023, thành phố Đà Nẵng còn một loạt dự án trọng điểm chậm giải phóng mặt bằng như: Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 601 (đường tỉnh - huyện Hòa Vang), Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng Đại học Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn)... Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hồng An, nguyên nhân chủ yếu do giá đất bồi thường thấp; không có khu tái định cư thực tế để bố trí cho người dân...

Điển hình như Dự án Tuyến đường trục 1 - Tây Bắc (quận Liên Chiểu) được khởi công xây dựng từ năm 2014 với tổng mức đầu tư ban đầu là 692 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều đoạn tuyến chưa giải phóng được mặt bằng nên dự án chậm tiến độ, phải tăng tổng mức đầu tư lên 966 tỷ đồng. Dù vậy mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 6-2023 là không thể thực hiện được, bởi nhiều hộ dân cho rằng mức đền bù là chưa phù hợp với thực tế nên chưa bàn giao mặt bằng...

Tại thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch di dời, giải tỏa hơn 20.000 hộ dân ở những ngôi nhà tạm ven và trên kênh rạch khắp thành phố được đặt ra từ lâu nhưng chưa thể thực hiện, bởi chưa có quỹ nhà tái định cư. Cùng với đó, có khó khăn về vốn để triển khai, do quỹ đất sau thu hồi không đủ diện tích làm đất thương mại dịch vụ, nên khó thu hút nhà đầu tư tham gia trong bối cảnh vốn đầu tư công còn eo hẹp.

Bà Phạm Thị Thanh, ở đường Phạm Thế Hiển (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh), thuộc diện 6.000 hộ ven kênh rạch sẽ phải di dời cho biết: “Người dân mong có nhà tái định cư trước khi giải tỏa; nhà tái định cư có chất lượng bằng hoặc hơn nơi ở cũ”. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) Phạm Đăng Hồ, nếu dùng quỹ nhà tái định cư bố trí theo giá thị trường thì những người dân trong diện giải tỏa sẽ không tiếp cận được.

Triển khai nhiều giải pháp

Năm 2023, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu giải phóng mặt bằng 202 dự án với 18.391 hồ sơ đền bù giải tỏa. Ngoài việc tăng cường xây quỹ nhà tái định cư, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như: Cụ thể hóa quy định suất tái định cư tối thiểu; quy định về bố trí đất tái định cư vị trí 2 mặt tiền…

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hồng An cho biết, Sở đề xuất các dự án mới có chủ trương thực hiện từ năm 2023 sẽ áp dụng giá đất bồi thường giá đất tiệm cận với giá thị trường và chỉ thực hiện bố trí tái định cư cho các hộ phải di chuyển chỗ ở; phân cấp, ủy quyền cho UBND địa phương phê duyệt giá đất để bồi thường...

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng đã làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án lớn sắp triển khai để xây dựng kế hoạch tái định cư, tổ chức lại cuộc sống người dân. Riêng với dự án giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch, thành phố sẽ thí điểm bố trí tái định cư cho 6.000 hộ dân quận 8 bằng nhiều hình thức trước khi triển khai trên diện rộng.

Cụ thể, với nhà đất có diện tích nhỏ, tiền bồi thường ít, sẽ được mua trả góp nhà ở xã hội từ các dự án nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách. Còn diện nhà mới lấn chiếm, không có pháp lý, diện tích quá nhỏ (diện khó khăn nhất) sẽ bố trí thuê nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách. Với nhóm nhà diện tích lớn, pháp lý đủ, đền bù nhiều, sẽ giải quyết tái định cư bằng nhà ở thương mại...

Thành phố cũng khuyến khích các địa phương chủ động, sáng tạo trong việc bố trí tái định cư các dự án giải tỏa nhà ven và trên kênh rạch. Quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những địa phương nhanh chóng đề xuất thực hiện nội dung này. Theo đó, UBND quận dự kiến di dời 2.282 hộ dân tại 3 khu vực kênh rạch và hồ trên địa bàn để cải tạo môi trường kết hợp chỉnh trang đô thị.

Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết, quận đề xuất thành phố cho phép giảm hành lang bảo vệ kênh rạch xuống mức tối thiểu để gia tăng hiệu quả khai thác quỹ đất. Sau giải tỏa nhà tạm, quỹ đất dọc kênh rạch được sử dụng làm công trình công cộng; chuyển đổi một phần diện tích đất thành công trình thương mại dịch vụ (tối đa 10% diện tích đất trong hành lang bảo vệ kênh rạch) để thu hút nhà đầu tư.

Ngọc Anh - An Tôn