Nguyễn Ánh 9: Người đàn ông của "Cô đơn"
Văn hóa - Ngày đăng : 11:49, 16/05/2007
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9
Người đàn ông có dáng khắc khổ, khuôn mặt phúc hậu được sinh ra tại Phan Rang năm 1940, lớn lên tại Nha Trang rồi sau đó là Đà Lạt. Những thành phố đẹp, mơ mộng và lãng mạn nhất nước đã in dấu chân ông từ thời trai trẻ và phải chăng đã vô tình nuôi dưỡng một tâm hồn tinh tế nhậy cảm và đã được truyền tải vào những nhạc phẩm để đời của ông sau này. Suốt cuộc đời Nguyễn Ánh 9 sáng tác không nhiều, chỉ trên dưới 30 bài nhưng đó đều là những tác phẩm nằm lòng giới trẻ thời bấy giờ như Không, Mùa thu cánh nâu, Ai đưa em về, Buồn ơi, chào mi!, Bơ vơ, Cô đơn, Tiếng hát lạc loài, Biệt khúc, Một lời cuối cho em, Trọn kiếp đơn côi, Tình khúc chiều mưa...
Người đàn ông của vũ trường
Nguyễn Ánh 9 bỏ nghiệp học hành mà người cha đáng kính đã hướng cho ông từ tấm bé. Ông cụ đã từng gửi Nguyễn Ánh 9 từ Phan Thiết đến Nha Trang rồi Đà Lạt nhằm chia cắt ông với chiếc đàn piano yêu dấu ở nhà. Thật may khi học đại học Đà Lạt ông lại tìm thấy một chiếc piano trong kho chứa đồ cũ. Không ai có thể tưởng tượng ông biết đánh đàn mà không sờ đến phím. Ông đã vẽ lại những phím đàn lên giấy và về phòng tự gõ tay lên những phím đàn vẽ đó và tưởng tượng ra giai điệu. Sau này, ông mới được học bài bản từ Bùi Quang Linh - thủ khoa đầu tiên của trường Quốc gia Sân khấu và Kịch nghệ trước năm 75. Càng "lún sâu" vào âm nhạc, Nguyễn Ánh 9 càng xa cách gia đình. Xuất thân gia đình gia giáo không thể chấp nhận việc con cái theo nghề "xướng ca vô loài", ông đã ra đi đồng thời chia tay với mối tình đầu - người con gái in bóng trong nhiều tác phẩm sau này của ông.
Vũ trường, hai từ khiến người ta liên tưởng đến nơi đi về của giới ăn chơi, nhiều tệ nạn, không phải nơi dành cho nghệ thuật. Vậy mà người đàn ông dường như dành cả đời mình đánh đàn trong vũ trường lại chứng minh cho điều ngược lại. Chung thuỷ với mối tình đầu và chung thuỷ luôn với người vợ của mình. Ông quen biết với vợ tại phòng trà Việt Long, bà cũng là nữ nghệ sĩ nhẩy thiết hài đầu tiên của Việt Nam tên là Lưu Bình. Mối nhân duyên không phải dựa trên tình yêu lại đơm hoa kết trái trên 40 năm nay. Mặc dù trong nhiều cuộc phỏng vấn, ông đã day dứt rất nhiều về người yêu đầu tiên, ông không quên và đã viết nhiều nhạc phẩm buồn dành tặng cho người ấy. Trong Buồn ơi, chào mi ông viết: Nếu trên đường đời ta lẻ loi một mình, thì trên con đường tình ta có mi buồn ơi! Rồi một loạt tên ca khúc Biệt ly, Trọn kiếp đơn côi, Bơ vơ, Cô đơn nói lên tâm trạng đó của ông. Nhắc đến seri ca khúc này không thể không nhắc đến bản nhạc Không!
Sự thực tôi chính là tác giả của bài hát này!
Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa. Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi! Người ta cho rằng ca từ này Nguyễn Ánh dành cho người tình khi phụ ông theo cuộc sống sang giầu. Bản Không được Khánh Ly thu âm đầu tiên, đến Evis Phương hát lại và phát trên đài phát thanh thì Không trở nên nổi tiếng. Ca sĩ người Hoa nổi danh trên đất Nhật Bản Đặng Lệ Quân thời đó đã dịch bản Không sang tiếng Nhật là Ni và cho phát hành tại Nhật Bản. Có lẽ đến bây giờ, nhạc nhẹ Việt Nam không có nhiều những sáng tác được người nước ngoài biết đến và đưa vào sản xuất như Không thời đó. Phải chăng đó là cái tài mà Nguyễn Ánh 9 đã làm được trong khi nhiều ca sĩ Việt Nam ngày nay là có xu hướng du nhập âm nhạc nước ngoài.
Một kỷ niệm vui nữa của Nguyễn Ánh 9 với bản Không. Trong một hộp đêm nơi ông làm việc, vô tình một người Nhật đề nghị Nguyễn Ánh 9 đánh bản Ni. Nguyễn Ánh nói ông không biết tên, chỉ cần ông khách hát qua giai điệu là ông sẽ biết, ông khách lẩm nhẩm: Ni ni ake sà cô nosi! Ông thấy quen quá. Khi ông khách Nhật hát thêm vài giai điệu nữa thì ông nhận ra đây chính là bản Không nổi tiếng của mình mà người khách đó tưởng là một ca khúc Nhật Bản. Ngay lập tức, Nguyễn Ánh 9 dạo hết bản nhạc khiến ông khách Nhật ngạc nhiên và khen ông có trí nhớ tuyệt vời. Vừa nghe vài giai điệu mà đã đánh hết cả bản nhạc. Nguyễn Ánh 9 trịnh trọng thưa rằng: Thưa ông! Ông mới chỉ ngạc nhiên một nửa thôi. Sự thực tôi chính là tác giả của bài hát này!
Hạnh phúc như đôi chim uyên tung bay một trời nắng ấm
Tôi là một người trẻ, thuộc thế hệ 7X, 8X gì đó, thời của nhạc hip hop, rock, rap xem ra không phù hợp với dòng nhạc lãng mạn trữ tình của Nguyễn Ánh 9, ấy vậy mà tôi vẫn thấy chúng không hề lạc hậu và vẫn có thể đắm mình vào nhạc của ông. Nói theo từ giới trẻ hiện đại là tôi là fan hâm mộ Nguyễn Ánh 9. Có người bạn tôi nói rằng, nhạc Nguyễn Ánh 9 "sến". Tôi có thể hiểu chữ "sến" ở đây theo kiểu ca từ không trúc trắc, âm nhạc dễ nghe chăng? Thực ra, tôi cho rằng nhạc Nguyễn Ánh rất văn minh và hiện đại. Hiện đại theo kiểu, ông viết nhạc nào ra nhạc đó không có sự lai căng nửa mùa. Xuất thân từ nhạc công vũ trường nên sở trường của ông là nhạc dance (slow, rumba, chachacha, tangô...). Ngoài ra, một người Philippine đã dậy ông jazz nên những bản phối jazz của ông cũng khiến người da đen bản địa (xuất xứ ra jazz) phải lắc hông. Và điều quan trọng, nhạc của ông xuất hiện trên dưới 40 chục năm vẫn được xếp vào loại nhạc trẻ, chứng tỏ sức sống và sự tân thời của ông.
Hạnh phúc như đôi chim uyên tung bay một trời nắng ấm, hạnh phúc như sương ban mai êm êm đậu cành lá thắm.... Đây là lời của bản Cô đơn được ông ấp ủ trong suốt 5 năm trời từ 1989 đến 1992. Với Cô đơn, Nguyễn Ánh 9 dường như đã rũ bỏ nỗi u uẩn với mối tình bất thành, giai điệu không còn u buồn mà là những lời triết lý về tình yêu, hạnh phúc mang tiết tấu bán cổ điển thật nhẹ nhàng. Từ 1992 đến nay ông sáng tác thêm một số ca khúc nữa và phát hành CD độc tấu dương cầm của mình. Hiện ông cùng bạn bè mở một phòng trà để có thể tụ tập chơi nhạc và để... "tạ lỗi với vợ".