Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:20, 01/03/2023
Mang lại giá trị kinh tế cao
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Di Trạch (huyện Hoài Đức) Nguyễn Hữu Quang cho biết: Di Trạch là xã ven đô, lại trong quá trình đô thị hóa mạnh, nhiều diện tích trồng lúa do khó khăn về nguồn nước, chuột bọ phá hoại nhiều nên trồng lúa rất khó khăn. Điều này dẫn đến việc nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang. Từ khi được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, Di Trạch đã hình thành nên vùng cây đa dạng, đủ loại, trong đó chủ lực là ổi, quy mô hơn 40ha đem lại thu nhập cao cho người dân, không chỉ gấp 1-2 lần trồng lúa như các địa phương khác mà gấp tới cả chục lần.
Còn tại huyện Phú Xuyên, nhiều xã sau khi dồn điền đổi thửa, đối với những vùng sản xuất lúa không hiệu quả, người dân đã áp dụng mô hình 1 lúa - 1 cá hoặc nuôi trồng thủy sản kết hợp cây ăn quả phù hợp với tập quán sản xuất, lao động trong nông nghiệp của địa phương. Ông Đặng Văn Tiến (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) chia sẻ: Hiện nay, lao động nông nghiệp tại địa phương đa phần chỉ còn người trung niên và người già, lao động trẻ làm dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Năm 2012, sau dồn điền, đổi thửa, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trang trại đa canh, trồng trọt kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, 100% diện tích đất nông nghiệp của địa phương được thâm canh hiệu quả, không bị bỏ hoang.
Thời gian qua, huyện Sóc Sơn cũng đã chuyển đổi gần 530ha đất trồng lúa kém hiệu quả, gặp khó khăn về hệ thống tưới tiêu sang các loại cây trồng có giá trị như thảo dược, rau hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần trồng lúa. Trên địa bàn huyện từng bước hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, như vùng trồng rau hữu cơ - rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao tại các xã Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh; vùng trồng cây ăn quả tại các xã Phú Cường, Phú Minh; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược tại các xã Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2022, thành phố Hà Nội đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng gần 2.000ha đất trồng lúa, trong đó chuyển sang cây trồng hằng năm gần 580ha; cây trồng lâu năm hơn 670ha và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản gần 640ha... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị từ 5-7 lần so với trồng lúa. Đặc biệt một số địa phương đã chỉ đạo chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây rau màu có giá trị kinh tế cao cho thu nhập gấp 10 lần so với trồng lúa.
Đồng hành hỗ trợ mô hình sau chuyển đổi
Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân, hiện huyện Sóc Sơn tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác trong phát triển nông nghiệp; triển khai các dự án đầu tư xây dựng hỗ trợ mô hình sản xuất; chú trọng tới việc xây dựng mô hình chuyển đổi sang dược liệu, cây ăn quả mới...
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân, ở những vùng đã chuyển đổi, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai hỗ trợ, đưa các mô hình sản xuất mới vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hình thức hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã. Đặc biệt là chú trọng hỗ trợ cải tạo chất lượng nguồn nước tưới, tránh ô nhiễm, ảnh hưởng tới các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp rau màu, cây ăn quả… Đối với Phú Xuyên, huyện sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để việc chuyển đổi mô hình canh tác mang lại hiệu quả cao.
Năm 2023, dự kiến thành phố Hà Nội thực hiện chuyển đổi hơn 3.838ha. Trong đó có hơn 1.119ha là chuyển đổi sang trồng cây lâu năm; khoảng 995ha là trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, còn lại là chuyển sang trồng cây hằng năm. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đem lại giá trị kinh tế cao, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình về ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, giống mới vào canh tác, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, canh tác không hiệu quả...
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố, các địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa một cách phù hợp. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát, xác nhận cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi khi đủ điều kiện, qua đó tạo động lực, thúc đẩy các vùng sau chuyển đổi đầu tư chuyên sâu đem lại giá trị kinh tế cao.