Tác động lớn từ những nhà vệ sinh nhỏ
Xã hội - Ngày đăng : 18:53, 28/02/2023
Nhà vệ sinh công cộng thiếu và chưa tiện dụng
Ngày 27-2, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký văn bản yêu cầu UBND các địa phương và sở, ngành liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra thực trạng về hệ thống nhà vệ sinh công cộng, đề xuất hướng duy trì và phát triển hệ thống này thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu chính quyền các địa phương vận động chủ cây xăng, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại... hỗ trợ người dân, du khách sử dụng nhà vệ sinh công cộng một cách dễ dàng, thân thiện.
Việc thiếu nhà vệ sinh công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh đã được nhắc đến nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây, Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành một văn bản chỉ đạo chi tiết, cụ thể như vậy.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi một số cơ quan báo chí dẫn kết quả một nghiên cứu quốc tế cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 67/69 thành phố có ít nhà vệ sinh công cộng nhất thế giới. Theo thống kê, toàn thành phố 13 triệu dân và là điểm thu hút đông đảo du khách hiện chỉ có 44 nhà vệ sinh công cộng còn hoạt động, phân bổ không đều ở các quận, huyện.
Ngay tại quận 1 sầm uất, cả khu “phố Tây” rộng lớn đông khách du lịch chỉ có 1 nhà vệ sinh công cộng trong khu chợ ngầm dưới mặt đất thuộc công viên 23-9. Hay như khu công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) mới được xây dựng trải dài gần 1km ven đường Tôn Đức Thắng và sông Sài Gòn cũng không có nhà vệ sinh công cộng, dù nơi đây thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan, đi dạo mỗi tối.
Chị Nguyễn Thanh Nga, du khách đến từ Bình Định, cho biết: “Mọi người chỉ chúng tôi băng qua đường tìm nhà vệ sinh công cộng ngầm bên dưới phố đi bộ Nguyễn Huệ, cách đây khoảng 600m, rất bất tiện”.
Anh Trương Văn Khởi, hướng dẫn viên du lịch, chia sẻ: “Tôi vừa dẫn một đoàn khách Hàn Quốc đi thăm chợ Bến Thành. Một thành viên trong đoàn muốn đi vệ sinh, nhưng chị ấy không thể sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại chợ do có quá nhiều bất tiện, nên đã rời chuyến tham quan để về khách sạn”.
Cần cơ chế thu hút đầu tư
Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn thành phố Hồ Chí Minh trước đây có khoảng 200 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, do nhiều điểm không có người quản lý, duy tu, vận hành nên giờ không còn tồn tại hoặc không thể sử dụng. Hơn 40 điểm đang hoạt động cũng chỉ dành cho những người “không có lựa chọn khác”.
Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến dự án thí điểm thiết lập, vận hành nhà vệ sinh công cộng thông minh của một nhóm doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đang phải tạm dừng. Cụ thể, từ năm 2018, Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong cùng các đối tác đã được phép triển khai thí điểm hàng chục nhà vệ sinh công cộng thông minh tại quận 1, quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh) và thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Những nhà vệ sinh này được chế tạo nguyên khối, có thể dễ dàng di chuyển, lắp đặt và đạt chuẩn APTS (ASEAN Public Toilet Standard), được trang bị nhiều công nghệ mới để có thể hoạt động tự động 24/24 từ nguồn điện mặt trời và ắc quy tích điện. Mỗi buồng vệ sinh rộng khoảng 3m2, có cửa đóng mở tự động bằng cảm biến, màn hình led và loa hướng dẫn, nhắc nhở người sử dụng. Bên trong có đầy đủ thiết bị hiện đại, sạch sẽ, phục vụ mọi nhu cầu vệ sinh cá nhân.
Ông Nguyễn Xuân Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tiên Phong cho biết, sau khi được triển khai bước đầu tạo tiếng vang giai đoạn 2018-2019, hệ thống nhà vệ sinh thông minh miễn phí này dần “teo tóp”, chủ yếu do không có sự phối hợp quản lý của nhà đầu tư và địa phương, nên thiết bị thông minh, công nghệ của nhiều nhà vệ sinh bị mất trộm. Ngoài ra, nhà đầu tư chưa có nguồn thu duy trì hoạt động của nhà vệ sinh.
Theo ông Sáng, doanh nghiệp và các đối tác vẫn sẵn sàng đầu tư phát triển mô hình này theo cơ chế “Nhà nước và doanh nghiệp đồng hành”. Cụ thể, thành phố cấp mặt bằng (khoảng 8m2) nơi công cộng, nhà đầu tư bỏ ra khoảng 250 triệu đồng xây dựng khối nhà vệ sinh thông minh và ki ốt, sau đó bàn giao cho địa phương (phường, xã) quản lý, khai thác. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm duy trì các thiết bị của nhà vệ sinh thông minh vận hành thông suốt, liên tục 24/7… Hiện doanh nghiệp đang xây mô hình thí điểm tại phường 9, quận 3.
“Phần ki ốt, địa phương có thể sử dụng làm nơi đặt cây ATM, máy bán hàng tự động hoặc chốt dân phòng, quầy giới thiệu du lịch hay sản vật địa phương, nơi “đóng quân” của các đội thanh niên tình nguyện... Mỗi tháng, chúng tôi đề nghị được cấp khoảng 5 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng cụm ki ốt và nhà vệ sinh; xin khai thác bảng điện tử quảng cáo đặt trên nóc cụm ki ốt để có nguồn thu ban đầu”, ông Sáng đề xuất.