Lễ kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam: Tự hào, rạng ngời nền văn hóa Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 20:49, 28/02/2023
Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội.
Khẳng định giá trị trường tồn của Đề cương
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, 80 năm qua, những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng của mình, đồng thời tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa.
“Nhìn lại để tiến xa hơn, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh trước kết quả bước đầu sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, để quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về văn hóa. Đề cương thể hiện tầm vóc tư tưởng chính trị của Đảng trong việc xác định vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong cuộc đấu tranh “phản đế”, “phản phong”, đẩy mạnh cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phát-xít, thực dân, phong kiến tay sai, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, giành chính quyền về tay nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, những tư tưởng lớn, dân tộc, khoa học, đại chúng, với tinh thần cách mạng mạnh mẽ, đột phá, tính nhân văn sâu sắc trong Đề cương đã thổi một luồng gió mới có tác dụng thức tỉnh, thu hút, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân. Từ chỗ khủng hoảng, mất phương hướng, hoài nghi, bế tắc, nhiều văn nghệ sĩ đã được định hướng về trách nhiệm xã hội, đi theo ngọn cờ chính nghĩa của Đảng, tham gia cách mạng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam; quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”; “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động để văn hóa thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả của các nguồn lực Nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa; tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cải thiện nhiều hơn nữa điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ, văn học, nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc.
Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc và phù hợp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo sự đột phá trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; gắn kết chặt chẽ văn hóa với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá nền văn hóa, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc thù, đặc trưng của Việt Nam.
Những dấu ấn rạng ngời
Sau lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử” đã diễn ra trang trọng, rạng rỡ, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Với 3 chương “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn” được thể hiện bằng ngôn ngữ ca, múa, nhạc, hình ảnh tổng hợp, chương trình nghệ thuật đã tái hiện những dấu ấn lịch sử rạng ngời của đất nước kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời.
Chương trình cũng một lần nữa khẳng định 80 năm qua, văn hóa Việt Nam đã khắc họa sinh động nhất bản lĩnh, ý chí, cốt cách, tâm hồn, bản sắc của dân tộc và con người Việt Nam – một dân tộc anh hùng đã vượt qua mọi thử thách chông gai, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và khát vọng dựng xây đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong chương trình, khán giả được thưởng thức các tiết mục ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi quê hương, đất nước đặc sắc như: Liên khúc “Làng tôi – Cờ Việt Minh”, liên khúc “Ngọn đuốc soi đường – Lá cờ Đảng – Đoàn Lữ nhạc”, “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”, “Người Hà Nội”, “Sông Lô”, liên khúc “Hò kéo pháo – Chiến thắng Điện Biên”, liên khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương - Bước chân trên dải Trường Sơn - Tiến về Sài Gòn - Đất nước trọn niềm vui”, liên khúc “Văn hóa trường tồn cùng dân tộc – Tôi tự hào là tương lai Việt Nam – Việt Nam ơi, ta bước tiếp”…
Đặc biệt, hai ca khúc “Ngọn đuốc soi đường” (lời Nghệ sĩ nhân dân Trần Bình, nhạc Đức Trịnh) và “Văn hóa trường tồn cùng dân tộc” (Trọng Đài) đặt hàng sáng tác riêng cho chương trình được dàn dựng công phu, để lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả.
Tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật là các nghệ sĩ được yêu mến như Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng, ca sĩ Trọng Tấn, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Thu An, Thu Hằng, Đào Tố Loan, Xuân Hảo, Đức Tuấn, Đinh Trang, Hoàng Tùng cùng nhóm Phương Nam, vũ đoàn Mây…