Xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản, làng nghề trên nền tảng số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:51, 28/02/2023
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có gần 9.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được công nhận, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Việt. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của chương trình, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các nền tảng số là một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến cho biết, để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản, làng nghề của cả nước, Trung tâm TikTok Việt Nam đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số về sản xuất nội dung, quảng bá và tiếp thị cho các chủ thể, đơn vị và doanh nghiệp OCOP. Việc đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, bao gồm việc đưa các sản phẩm OCOP lên nền tảng số là bước đi tất yếu, góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các chủ thể và địa phương.
Theo thống kê của TikTok Việt Nam, trong năm 2022, TikTok Việt Nam đã tổ chức thành công hơn 10 khóa đào tạo địa phương về chuyển đổi số, thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng miền. Đặc biệt, hashtag #OCOP và #DacSanVietNam đã thu hút lần lượt 305 triệu và 350 triệu lượt xem, qua đó mở ra cơ hội tìm kiếm, tiêu thụ và phát triển tiềm năng cho các sản phẩm OCOP.
Chia sẻ về những thế mạnh trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trên TikTok Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam cho hay: TikTok sẽ hợp tác cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số thuộc Bộ Công Thương thí điểm số hóa một số làng nghề truyền thống và hỗ trợ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, loại hình thủ công mỹ nghệ cho các nghệ nhân thông qua các công cụ sáng tạo trên nền tảng.
Đặc biệt, TikTok sẽ thành lập các nhóm tư vấn trực tiếp để hướng dẫn giải quyết, xử lý các vướng mắc trong quá trình thiết lập, vận hành kênh bán hàng cho các sản phẩm OCOP trên TikTok Shop.
Giám đốc Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ (Hà Giang) Lý Mùi Mương cho hay, với việc luôn tuân thủ những quy định về sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, không ngừng đầu tư, nâng cấp công nghệ sản xuất và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2021, hợp tác xã đã có 2 sản phẩm được Bộ NN&PTNT chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Đây cũng là 2 sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hà Giang đạt OCOP 5 sao, mang đến niềm vinh dự, tự hào rất lớn cho các hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ ở thôn Phìn Hồ.
“Nếu được quảng bá trên TikTok Việt Nam thì sản phẩm chè của hợp tác xã sẽ được nâng cao thêm giá trị, mở đường xuất khẩu chính ngạch ra thị trường quốc tế”, bà Lý Mùi Mương chia sẻ.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và TikTok Việt Nam đã ký Biên bản hợp tác nâng cao năng lực số cho các chủ thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.