“Thịt” xe

Kinh tế - Ngày đăng : 08:46, 13/05/2007

(HNM) - Sau Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Mai Lĩnh (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Tây) được xem là “lò mổ” xe lớn thứ hai. Hàng trăm xe các loại đã qua sử dụng, trong đó có những loại cực kì cồng kềnh như máy xúc, ủi, được tập kết ngổn ngang tại các “lò” sát hai vệ đường chờ “xẻ thịt”.

Những “con xe” chờ “xẻ thịt” hoặc “tút tát” lại.

(HNM) - Sau Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Mai Lĩnh (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Tây) được xem là “lò mổ” xe lớn thứ hai. Hàng trăm xe các loại đã qua sử dụng, trong đó có những loại cực kì cồng kềnh như máy xúc, ủi, được tập kết ngổn ngang tại các “lò” sát hai vệ đường chờ “xẻ thịt”.

Chủ một “lò” bảo anh thích gọi nghề này là “thịt xe” hơn là “mổ”- nghe cứ liên tưởng đến một “nghề” khác không được hợp pháp...

Sức vóc “thịt” xe

Tuyến Hà Đông - Hòa Bình, suốt phố Mai Lĩnh ngổn ngang ô tô, máy xúc, máy ủi cũ mới song phần nhiều đã quá đát. Cả thảy có khoảng hai chục bãi tập kết. Cánh xe ôm gọi đây là “lò mổ xe”. Chị hàng nước thì bảo “lò thịt xe” vì gọi “mổ” nghe không được hợp pháp và dễ khiến người khác liên tưởng... không hay. Tất cả các “lò” ở đây hoạt động hệt như các “lò” ở Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc): Nhập xe đã qua sử dụng về, thường là xe quá đát, dỡ tung phụ tùng máy móc ra. Bộ phận còn dùng được đem bán cho các xưởng sửa xe, cũng có người lập xưởng ngay cạnh “lò”, bộ phận nào hỏng đem bán sắt vụn, tính theo kg. Gọi trại thành quen, bãi xe được gọi là “lò” còn việc tháo dỡ, cánh thợ gọi là “thịt”, có “công nghệ” hẳn hoi. Có tay vui tính tự nhận mình là “đồ tể”. Tuyệt đối, không anh nào thích nhận mình làm nghề “mổ xe”. Lí do ? Thì như chị hàng nước nói.

Gọi công nghệ thịt cho oai chứ thực ra phần nhiều thợ tại các xưởng (không hẳn là thợ vì chẳng kỹ năng, kỹ xảo gì) chỉ đơn giản làm phần việc tháo rời từng bộ phận của xe. Còn việc thẩm định phụ tùng dùng được hay không thường lại phải do chủ “lò”. Nhưng nghề nào, dầu chỉ chân tay, cũng có đòi hỏi nhất định của nó.

Dũng là “đồ tể” của một trong những xưởng được xem là lớn nhất ở đây. Sức vóc anh có thừa, cao lớn, tay chân khuỳnh khoàng, gân guốc, bàn tay như gỗ mấu. - Cái cần nhất là sức khỏe. Ban đầu, thợ mới chưa được tự “thịt” xe ngay mà phải theo các bác có thâm niên làm một thời gian. Sau đó thì lính mới được hướng dẫn làm, rồi tự làm. Anh nào sáng ý chỉ mất tuần đã có thể một mình “thịt” xe. - Dũng tự nhận mình là “đệ nhất cờ lê” và khoe: - Mình em có thể làm ngon con xe con chỉ trong một tiếng.

Nghe đâu, ở Tề Lỗ có tay cũng chỉ cần một tiếng có thể “làm” gọn một con xe nát, nhưng là xe tải. Dũng bảo, chuyện ấy tin được: - Em cũng thử rồi, nhưng vất. Dốc sức tháo dỡ tung một con xe không đơn giản. Xe tải nhiều cấu kiện, nặng, ốc chặt. Đánh vật xong cũng vã cả người. ấy vậy song Dũng lại bảo ở đây còn có tay “thịt” xong một cái máy xúc trong có đâu vài tiếng đồng hồ.

Thường thì mỗi “lò” thuê chừng mươi lao động, ở ngay Đồng Mai và mấy xã lân cận. Phần nhiều đều xuất thân từ nông dân, có anh cửu vạn, làm riết thành quen. Anh nào anh nấy chắc nịch như gỗ thịt. Dũng vào nghề đã dăm năm, thành thạo mọi loại. Tất cả, từ xe con, xe tải đến máy xúc, anh đều có thể “thịt” ngon lành, một cách chóng vánh: - Làm nghề này rất vất. Phi sức khỏe không làm được. Tiếp xúc thường xuyên với môi trường dầu mỡ, cát bụi cũng nhược cả người.

Con đường làm chủ “lò”

Các chủ “lò” không mấy thích tiếp chuyện người lạ. Lí do rất đơn giản: Các “lò” tập kết xe thải ngổn ngang, lắm khi mấp mé mép đường. Thế là bị “gõ”: Ông giao thông “gõ”, ông môi trường “gõ”... Rồi thì hàng xóm cũng nhiều người kêu: Bụi, ô nhiễm, lúc nào cả phố cũng lấm lem dầu mỡ...

Hiếu Mai có lẽ là “lò” lớn nhất ở đây: Biển hiệu to nhất, bãi to nhất, tập kết cũng nhiều xe nhất. Ngoài Hiếu Mai là một loạt những “lò khác”: Hinh Hồng, Hiền Quí, Hiếu Hiến, Chiến Thảo, Minh Dũng, Trường Thắng... “Lò” ít tập kết vài con xe, “lò” nhiều hàng chục con. Ông chủ Hiếu Mai nguyên là nông dân rồi đi buôn sắt vụn, cách đây đã lâu. Một phen, gặp mối là con xe con cũ nát, lúc ấy còn chưa biết của hãng nào, anh mua cả đống sắt vụn ấy luôn. Mang về đến nhà, chưa bán ngay được, anh phải tự tay tháo rời từng bộ phận. Vỏ, các bộ phận khác đã han gỉ, anh phân loại sắt vụn bán luôn nhưng thấy một số phụ tùng vẫn còn mới bèn để đấy. Có người đến hỏi mua, thế là anh buôn sắt vụn này thắng quả. ý tưởng về một nghề mới định hình. Năng nhặt chặt bị, dần dà anh cũng mở được cái “lò” như bây giờ. Thấy anh làm được, mấy người anh em nhà này cũng đi buôn ô tô sắt vụn theo...

“Săn” hàng

Trước đây, hồi Tề Lỗ mới có nghề “thịt” xe, hàng còn nhiều. Bây giờ, cả xã Tề Lỗ là cái xưởng lớn. Ngoài Tề Lỗ, nay thêm Bá Hiến (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), thêm hai lò. Bánh ít, người nhiều. Các ông chủ ở Mai Lĩnh thường rong ruổi khắp Nam chí Bắc để tìm hàng. - Mối dễ ăn nhất là đi theo các công trình giao thông hoặc xây dựng vì dễ kiếm được hàng. Có công ty thanh lí hàng loạt. Mối công ty, nhất là của Nhà nước, là vớ bẫm vì dễ “làm ăn”. Khó nhất là mua hàng của tư nhân. Họ cò kè từng tí. Thường thì người mua chỉ nhìn qua hàng rồi định giá. Xe mua là xe sắt vụn, giá cũng tính giá sắt vụn, nhưng đắt hơn. Hàng càng cũ nát càng dễ ra giá. Sướng nhất cái đận “thịt” xe xong, thấy nhiều phụ tùng còn sử dụng được. Tính đi tính lại, vẫn lãi bạc triệu vì phụ tùng lại đem bán được cho các xưởng sửa chữa ô tô (Một thời gian, cùng với Tề Lỗ, Mai Lĩnh là đầu mối cung cấp phụ tùng cho các cơ sở lắp ráp công nông đầu ngang ở Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc...). - Một ông chủ bảo.

Ngã giá xong xuôi, đến công đoạn vận chuyển. Ô tô con hết đát còn dễ vận chuyển, quẳng lên xe tải là xong nhưng với chính xe tải hết đát, hoặc xúc, ủi thì tương đối tốn kém. Anh Hiếu bảo, đã mấy người mua xe sắt vụn nhưng đem về mông má lại, bán cho người khác vẫn là bán với giá xe bãi, chẳng “giá sắt vụn” tí nào. Những quả đấy là ngon ăn nhất.

Buôn tài không bằng dài vốn. Anh nào vốn non thì cũng chỉ đến buôn hàng sắt vụn là cùng. Nhưng kì lạ là dọc phố Mai Lĩnh, tại các “lò”, không hiếm máy ủi, máy xúc hay ô tô còn tương đối mới. - Đấy là những “con” cũ nhưng vẫn còn sử dụng được, khi đem về đã được “tút tát” lại ngon lành. Hàng ấy lại được đem bán cho nơi khác. - “Đệ nhất cờ lê” Dũng giải thích: - Mặt khác, có tiền trong tay, nhiều người chuyển sang buôn xe cũ. Có tay đánh liều vay nóng tới vài tỷ bạc để đánh hàng về, bán xong xuôi, trừ nợ, trừ lãi, vẫn thắng. Nhưng đấy là chuyện của các ông chủ.

Không biết ai truyền tai nhưng nhiều người bảo cỡ như Hiếu Mai giờ phải có hàng chục tỷ trong tay. Chủ “lò” Trường Thắng cũng là một đại gia. Dọc con phố này, các chủ “lò” nắm trong tay cỡ vài tỷ không ít.

Thế mà trước cũng có người trắng tay. Con đường phá sản rất đơn giản: Giật nóng (tiền), lãi cao, ôm hàng. Nhìn hàng không chuẩn, cứ nghĩ ngon ăn (xe còn chạy được), đem về dỡ ra mới hay ốc đã “đi” đằng ốc, phụ tùng “xong” đằng phụ tùng. Lấy vốn ra trả nợ không xuể. An toàn hơn, những anh ít vốn khác xoay sang mở “lò” “thịt” một loại hàng khác: Thùng phuy (đựng xăng dầu). Sau khi “thịt”, người ta đem bán vỏ thùng (bằng tôn) để lợp mái, dựng lán... Có một điểm tập kết thùng phuy rất lớn ngay dưới chân cầu Mai Lĩnh. Chủ của nó có một ngôi nhà dăm sáu tầng, ngay trước “lò”.

Ai bảo buôn sắt vụn là “hết cửa”. Nhờ ô tô sắt vụn, vỏ thùng phuy mà Mai Lĩnh khối đại gia, phẩy tay mang một con bốn bánh cáu cạnh về nhà như bỡn.

Bài và ảnh:Nguyên An

ANHTHU