Làng Phù Xá
Xã hội - Ngày đăng : 09:45, 08/05/2007
(HNMĐT)- Làng Phù Xá, tên nôm là làng Nầm, có Quốc lộ 2 và sông Cà Lồ chảy qua. Vì vậy, đây là địa bàn tụ cư sớm của người Việt cổ.
Đầu thời Nguyễn, Phù Xá là một trong 14 xã, thôn thuộc tổng Phù Lỗ huyện Kim Hoa (từ năm 1841 đổi thành huyện Kim Anh), phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh. Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Phù Xá cùng một số xã trong tổng Phù Lỗ tách ra để thành tổng Phù Xá và nhập vào huyện Đông Anh mới được thành lập, thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1901, huyện Đông Anh được chuyển về tỉnh Phù Lỗ (năm 1904 đổi thành tỉnh Phúc Yên).
Làng (xã) Phù Xá, gồm hai thôn Đông và Đoài. Đầu thế kỷ XX, hai thôn này được nâng lên thành hai xã độc lập. Năm 1928, làng Đoài có 1413 nhân khẩu, làng Đông có 722 nhân khẩu.
Sau Cách mạng Tháng Tám, hai làng Phù Xá Đông - Đoài nhập với một số xã khác thành xã Phú Cường huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên (năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1968 là tỉnh Vĩnh Phú). Ttừ 1977, thuộc huyện Sóc Sơn. Từ 1979, xã Phú Cường cùng các xã trong huyện Sóc Sơn được chuyển về Hà Nội.
Phù Lỗ nằm trên đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng ở phía Bắc Hà Nội nên xưa kia kinh tế của làng khá phát đạt, nhất là về buôn bán. Bến đò làng Phù Xá (bến Nầm) là bến đò quan trọng trên tuyến đường thủy từ huyện Đông Anh lên phía Bắc. Làng có chợ Nầm để dân làng trao đổi buôn bán.
Làng Phù Xá (thôn Đoài) là quê hương của ông Phù Thúc Hoành, từng giữ chức Hàn lâm Hoc sĩ Giáo thụ Quốc tử Giám dưới thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Ông là chồng bà Ngô Chi Lan - một văn sĩ, quê ở làng Phù Lỗ (cùng thuộc huyện Sóc Sơn), giỏi cả thơ và phú, rất nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XV. Bà Lan được Lê Thánh Tông vời vào cung dạy các cung nữ và được vua phong cho chức Phù gia nữ học sĩ hay Phù Học sĩ.. Đền thờ bà gọi là đền Phù học sĩ hay Miếu Bà, nay vẫn còn ở cạnh văn chỉ thôn Phù Lỗ Đoài. Tục truyền, bà cùng chồng bỏ tiền bổng lộc cho dân làng dựng đình, chùa, lát đá xanh dọc đường làng. Phù Xá Đoài là làng duy nhất của huyện Sóc Sơn có đường làng lát đá xanh.
Làng Phù Xá có ngôi đình ở phía Tây thôn Đoài, nhìn ra sông Cà Lồ (hướng Nam). Đình được dựng vào cuối thế kỷ XVII và được trùng tu vào thời Cảnh Hưng (1740 - 1786). Hiện tại, đình có cấu chức chữ Công, gồm đại đình 5 gian 2 dĩ, hậu cung 3 gian, nối với đại đình bằng tòa ống muống. Đình thờ Lê Phụng Hiểu, người hương Băng Sơn, châu ái (nay là làng Dương Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ông là người có công dẹp “loạn ba vương” (ba người con của Lý Thái Tổ là Đông Chinh vương, Dực Thánh vương và Vũ đức vương nổi dậy cướp ngôi của Thái tử Phật Mã - tức Vua Lý Thái Tông, năm Mậu Thìn – 1028).
Đình đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1991.Hội làng Phù Xá diễn ra từ 12 đến 18 tháng Mười. Làng Phù Xá có vinh dự lớn là được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm năm 1968. Người đã nói chuyện với dân làng tại đình.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính