Sản lượng hành khách, doanh thu là yếu tố sống còn với xe buýt
Đời sống - Ngày đăng : 20:17, 27/02/2023
Báo cáo tại buổi đối thoại, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, năm 2022, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, trong đó phải kể đến dịch Covid-19 những tháng đầu năm vẫn diễn biến phức tạp, dẫn tới nhu cầu đi lại của người dân hạn chế (tiếp tục duy trì hoạt động với 50% công suất từ ngày 1-1-2022 đến 12-2-2022 và điều chỉnh giảm 15% công suất từ ngày 16-3-2022 đến nay).
Tình hình ùn tắc giao thông phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành và chất lượng dịch vụ. Trong năm 2022 có tới 5.046 lượt xe phải bỏ do tắc đường (chiếm 0,08%); thời gian chuyến đi của hành khách chưa được bảo đảm do xe buýt vẫn phải vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp.
Thống kê cho thấy, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách (tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021).
“Sản lượng đã có dấu hiệu phục hồi song còn chậm và chưa đạt được như kỳ vọng, dẫn đến chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng của năm 2022 chỉ đạt 18,5%, không đạt được so với kế hoạch đề ra là từ 21,5 – 23%” – ông Thái Hồ Phương nói.
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận hành buýt cho biết, sau Covid-19, các doanh nghiệp rất khó khăn cả về nguồn lực đầu tư và lực lượng lao động thiếu hụt.
“Hiện chúng tôi đang thiếu khoảng 400 lao động trực tiếp lái xe và bán vé. Năm 2023, Tổng công ty sẽ triển khai các khóa đào tạo chuyên đề về nâng cao chất lượng dịch vụ, đề nghị liên ngành hỗ trợ các khóa đào tạo chung cho nhân viên như mời lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông vận tải tham gia giảng dạy cho đội ngũ này. Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành rà soát, giải quyết các vướng mắc về hạ tầng để sắp xếp lại nhà chờ xe buýt, điểm chờ xe buýt hợp lý, tránh lấn chiếm. Đồng thời tiếp tục khảo sát, hợp lý hóa lộ trình các tuyến buýt nhằm tránh khu vực ùn tắc giao thông, giảm thời gian chuyến đi của hành khách” – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Thủy kiến nghị.
“Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sớm ra quyết định đặt hàng cho các tuyến buýt điện năm 2023 và tạm ứng chi phí để doanh nghiệp có chi phí hoạt động; chỉ đạo các doanh nghiệp buýt chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu GPS cho các App ứng dụng hỗ trợ khách hàng tra cứu thông tin tất cả các tuyến buýt trên toàn mạng, tăng tiện ích để thu hút người dân sử dụng dịch vụ” – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus Nguyễn Công Nhật kiến nghị.
Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội Đỗ Văn Huy nêu thực tế khó khăn của các doanh nghiệp buýt hiện nay là khi đấu thầu, giá dự toán liệu chỉ 12.000 -17.000 đồng/lít dầu diesel nhưng có thời điểm giá nhiên liệu tăng gấp đôi khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có phương án hỗ trợ phù hợp.
Sẽ dừng hoạt động các tuyến không hiệu quả
Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2023, trung tâm sẽ thuê đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến xe buýt; tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe nhằm tránh ùn tắc, giảm thời gian chuyến đi của hành khách và tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đường sắt đô thị.
Về hạ tầng sẽ nghiên cứu, tổ chức thí điểm từ 1-2 làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến đường đủ điều kiện; rà soát, đầu tư đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt.
Cùng với đó, xây dựng phương án vé liên thông đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng; cơ cấu lại giá vé xe buýt (vé lượt, vé tháng) phù hợp với cự ly đi lại của hành khách…
Ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường khẳng định, những kiến nghị của doanh nghiệp nếu thuộc thẩm quyền của sở thì sẽ giải quyết ngay. Nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo thành phố và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết.
“Cơ quan quản lý nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp song doanh nghiệp cũng phải chia sẻ, cộng đồng lợi ích với nhà nước và người dân. Sản lượng hành khách, doanh thu, giảm trợ giá từ ngân sách nhà nước phải là mục tiêu tối thượng, yếu tố sống còn!” – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Sở Giao thông Vận tải giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả từng tuyến, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả, tăng tính kết nối với đường sắt đô thị; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng App ứng dụng xe buýt dùng chung với đầy đủ dữ liệu của toàn bộ mạng lưới buýt. Thông qua App, người dân có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi, từ đó có căn cứ để thưởng phạt.
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải cũng đã xây dựng xong bộ tiêu chí chất lượng phục vụ của xe buýt. Tới đây phải xây dựng được bộ tiêu chí hiệu quả tuyến (sản lượng, doanh thu, trợ giá), từ đó sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến không hiệu quả.