Những tin vui đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế

Đời sống - Ngày đăng : 17:34, 27/02/2023

(HNMO) - Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng, hiện có khoảng 90 triệu người, tương ứng với hơn 90% dân số có thẻ BHYT để khám, chữa bệnh, đòi hỏi các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ; lực lượng y, bác sĩ làm việc hết mình mới đáp ứng được số lượng bệnh nhân BHYT tăng nhanh.

Song, với mục tiêu bảo đảm quyền lợi tối đa cho người tham gia, các cơ quan chức năng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, cố gắng bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế trong danh mục BHYT thanh toán; áp dụng nhiều giải pháp bảo đảm chi phí khám, chữa bệnh đúng tình trạng bệnh tật, đúng đối tượng thụ hưởng… Tất cả những điều này mang lại những tin vui đối với bệnh nhân BHYT.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đón tiếp bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT theo quy trình tự động.

Về chất lượng dịch vụ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, tính đến ngày 20-2-2022, hệ thống điện tử đã xác thực hơn 74,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời cung cấp, chia sẻ hơn 96 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là dữ liệu số quan trọng để các bên ứng dụng công nghệ số phục vụ người dân tham gia BHYT. Nổi bật là, cả nước hiện có 12.268 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, đạt 96% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc với 17,5 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ làm thủ tục khám, chữa bệnh.

Dịch vụ tiện ích khác được các cơ quan chức năng mang đến cho người tham gia BHYT là cung cấp dịch vụ công “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” trên Cổng dịch vụ BHXH Việt Nam và Cổng Dịch vụ công quốc gia từ tháng 7-2022, đến nay. Trong thời gian vận hành, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gia hạn gần 600 thẻ BHYT thông qua dịch vụ này.

Đáng chú ý, dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” được triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam giúp các cơ quan chứ năng giải quyết hơn 12.000 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi với những thủ tục đơn giản…

Về thuốc, vật tư y tế, các bên nỗ lực vượt khó, bảo đảm quyền lợi về thuốc, vật tư y tế cho 100 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT mỗi năm. Hiện nay, nước ta có gần 10.000 dịch vụ kỹ thuật được BHYT chi trả, từ dịch vụ cao cấp nhất như PET/CT, mổ bằng robot đến những dịch vụ đơn giản như xét nghiệm máu, nước tiểu, phục hồi chức năng…

Bên cạnh đó, quyền lợi về thuốc BHYT được bảo đảm tối đa với 2 danh mục: Thuốc tân dược và thuốc đông y. Về thuốc tân dược, hiện có 1.030 thuốc hóa dược, mỹ phẩm và 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu với 25 hoạt chất quy định tỷ lệ thanh toán và 31 hợp chất quy định cả điều kiện thanh toán và tỷ lệ thanh toán…

Ngoài ra, Quỹ BHYT còn bảo đảm thanh toán cho danh mục thuốc đông y với 349 vị thuốc y học cổ truyền và 229 thuốc cổ truyền…

Bệnh nhân BHYT điều trị tại Bệnh viện Thận Hà Nội.

Tin vui khác đến với bệnh nhân BHYT là Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25-2-2023 yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh…

Với trách nhiệm thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cũng vừa có văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo giám sát việc thực hiện dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2023. Ngoài ra, cơ quan chức năng cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố quyết định mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung ở cấp địa phương, ưu tiên mở rộng danh mục với các thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn; cố gắng không để bệnh nhân BHYT phải tự mua thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Để nguồn Quỹ BHYT đến đúng đối tượng thụ hưởng, công tác giám định BHYT được cơ quan BHXH chú trọng thực hiện. Căn cứ vào kết quả giám định BHYT, các cơ quan chức năng ghi nhận nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng; đồng thời giúp người dân thấy rõ hơn tính ưu việt, nhân văn do BHYT mang lại. Điển hình là một bệnh nhân bị mắc căn bệnh Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền) ở tỉnh Vĩnh Long, với 11 năm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), trải qua 26 lần phẫu thuật. Tính đến thời điểm xuất viện (tháng 4-2021), bệnh nhân này được BHYT chi trả tổng chi phí lên tới hơn 38 tỷ đồng.

Hoạt động giám định BHYT tại BHXH Việt Nam.

Từ kết quả giám định BHYT, các cơ quan chức năng còn phát hiện và từ chối thanh toán BHYT đối với một số trường hợp, qua đó củng cố niềm tin cho nhân dân về việc sử dụng minh bạch nguồn quỹ…

Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn, chính sách BHYT giữ vai trò trụ cột an sinh, thiết thực góp phần chăm sóc sức khỏe, bảo đảm cuộc sống của nhân dân. Quá trình đưa BHYT vào đời sống, đến với từng bệnh nhân BHYT có sự đồng hành, tham gia trực tiếp của các cơ sở khám, chữa bệnh cùng lực lượng y, bác sĩ khắp mọi miền đất nước.

Minh Vũ