Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Ấn Độ: Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cốt lõi
Thế giới - Ngày đăng : 07:11, 27/02/2023
Trọng tâm của chuyến thăm là cuộc hội đàm giữa Thủ tướng O.Scholz với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô New Delhi. Bên cạnh nội dung liên quan tới tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, đưa ra hướng dẫn chiến lược cho sự hợp tác về khoa học và công nghệ, hai nhà lãnh đạo tập trung trao đổi biện pháp nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại song phương.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng O.Scholz đã đánh giá cao trước sự tăng trưởng lớn của Ấn Độ những năm gần đây, đồng thời nhấn mạnh rằng điều này là động lực tích cực cho mối quan hệ giữa hai nước. Ông cũng cùng người đồng cấp N.Modi nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có việc sớm hoàn tất thủ tục để tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa hai hai bên.
Theo Thủ tướng O.Scholz, sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin và phần mềm đang bùng nổ tại Ấn Độ và nhiều công ty có năng lực cũng đang hoạt động tại quốc gia Nam Á này. Ông bày tỏ mong muốn Đức có thể thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ Ấn Độ nói chung và các doanh nghiệp trên nói riêng.
Về phần mình, Thủ tướng N.Modi nhấn mạnh, Ấn Độ và Đức có mối quan hệ chặt chẽ dựa trên nhiều giá trị chung. Sự hợp tác ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế không chỉ mang lại lợi ích cho người dân của cả hai nước mà còn gửi đi một thông điệp tích cực trong thế giới đầy căng thẳng ngày nay.
Hiện tại, với số lượng dân lên tới hơn 1,4 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, mức độ liên kết của Ấn Độ trong thương mại quốc tế đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Riêng năm 2021, ngoại thương của Ấn Độ đã tăng khoảng 50%. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong EU và lớn thứ 6 trên toàn cầu. Ấn Độ đã nhập khẩu hàng hóa trị giá khoảng 14 tỷ euro từ Đức vào năm 2021.
Tuy nhiên, trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm 2022, Ấn Độ chỉ xếp thứ 22 về xuất khẩu, thứ 24 về nhập khẩu. Kim ngạch thương mại song phương Đức - Ấn đạt khoảng 30 tỷ euro. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn hợp tác của cả hai bên.
Trong khi đó, Berlin đang tích cực đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Đức đang thúc đẩy ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương toàn diện với Ấn Độ. Đối với EU, một hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ sẽ phù hợp với chiến lược tăng cường sự tham gia với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Về sức mạnh tổng hợp, Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2024 và vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Hiện nay, Ấn Độ được đánh giá là cường quốc về quân sự, là một trong những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Vị trí địa lý đặc biệt cùng với sức mạnh vượt trội khiến Ấn Độ trở thành một nhân tố cốt lõi trong sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vì vậy, việc Đức và Ấn Độ tăng cường quan hệ hợp tác song phương sẽ giúp củng cố thêm nguồn lực nội tại, cũng như thắt chặt những ràng buộc để củng cố sức mạnh chung trên trường quốc tế.