Lãng mạn cùng Vespa
Xã hội - Ngày đăng : 10:17, 29/04/2007
Sự ra đời của những loại xe sang trọng: SH, Daylan, Honda, Spacy, @... những tưởng loại xe cổ sẽ trở nên lép vế. Nhưng không, dòng Vespa, đặc biệt là Vespa cổ vẫn trở thành mốt của những người sành điệu.
Từng được mệnh danh là biểu tượng của Italia, biểu tượng của giới trẻ và biểu tượng của sự lãng mạn châu Âu, Vespa là thương hiệu thành công trong lịch sử thương mại: hơn 15 triệu xe đã được bán trong 50 năm. Hãng Vespa bắt đầu phát triển trong những năm 1940, và khoảng năm 1948 thì chiếc Vespa thương mại đầu tiên ra đời. Từ đó có rất nhiều chiếc xe kiểu dáng được tung ra như: Acma (Acma de Paris), Standard, Super và Sprint. Cuối những năm 1970, hãng Piaggio cho ra đời chiếc Vespa PX150 được coi là bước đột phá về kiểu dáng và tiện dụng hơn. Loại xe từ năm 1960 trở về trước được coi là Vespa cổ. Chiếc Vespa của những năm 50-60 có kết cấu thân xe thấp, nhỏ nhắn, sang đến những năm 70, nó được trang trí thêm phần đèn đuôi xe, hệ thống bịt ống xả và chỗ cho người ngồi sau. Càng đến những năm sau này, chiếc Vespa càng được cải tiến để vươn tới sự hoàn hảo. Vài năm gần đây, mốt sưu tập và đi xe Vespa cổ phát triển thành phong trào. Mỗi fan Vespa cổ có sở thích riêng biệt, họ tận dụng tư duy thẩm mỹ để trang trí, vẽ kiểu theo phong cách của riêng mình. Không ai thích chiếc xe của mình có họa tiết giống ai vì thế, Vespa như một vườn hoa muôn màu trăm sắc. Những nét vẽ phiêu diêu đầy ngẫu hứng, chùm hạt pha lê được gắn tinh tế trên nền hoa văn cổ điển hay nét vẽ hoang dã, phóng khoáng... tạo cho chiếc Vespa dấu ấn cá nhân đặc sắc. Có người còn thích thay máy cho xe vọt nhanh hơn, lắp đèn phía trước cong lên như con ong đang tìm mật, lắp bánh sơ-cua phía trước... để tạo dáng đặc biệt cho xe.
Xu hướng chơi xe Vespa cổ xuất hiện và trở thành phong trào của giới trẻ sành điệu Hà Nội cách đây vài năm. Đã chơi Vespa ai cũng mong muốn tìm cho mình chiếc xe yêu thích như: Acma, Standard... tìm được chiếc 150GL-1963 thì không còn gì thích thú hơn, vì người ta cho rằng đây là một trong những chiếc Vespa có thiết kế đẹp nhất của Piaggio. Mỗi fan của Vespa cổ có sở thích riêng biệt, đối với anh Ngọc ở Đống Đa- người sở hữu một chiếc Vespa cổ sản xuất những năm 1960 chỉ dùng để trong nhà ngắm, họa hoằn lắm anh mới mang xe ra đường. Mỗi lần như vậy, anh đều dòm trước ngó sau rất cẩn thận vì sợ tên tắt mắt nào tiện tay “chôm” mất những phụ tùng hiếm. Phụ tùng của Vespa cổ không phải dễ kiếm, nhiều khi nghe đồn có món gì đó xuất hiện trên thị trường, nhưng muốn mua được phải tốn công lặn lội tìm đến tận người sử dụng, phải nói khéo hoặc năn nỉ họ bán lại với giá cao. Đặc biệt, đối với những người chơi xe theo trường phái (giữ nguyên bản gốc), thì từng con ốc thiếu hụt phải tìm mua cho bằng được. Để tìm được một chiếc Vespa còn “zin” thật khó, nên nhiều fan của Vespa đành chấp nhận thay những bộ phận thiếu bằng phụ tùng cùng loại khác, không mấy khó kiếm được mà giá cả lại phải chăng. Nếu Vespa hỏng có thể đến đường Láng, Phủ Doãn, Hàn Thuyên hoặc Cát Linh là những địa chỉ đáng tin cậy. Kinh nghiệm bảo dưỡng sửa chữa cho “cô nàng đỏng đảnh” bây giờ cũng rộng rãi hơn trước kia, điều này khiến dân chơi hài lòng.
Hầu hết những người chơi Vespa cổ đều biết những nhu cầu thiết yếu của “cô nàng”, ví dụ bao lâu phải kiểm tra pugi, cần bao nhiêu nhớt với loại xăng nào để bôi trơn, xác suất dắt bộ và các phương án đối phó khi nàng giở chứng. Cực khổ là vậy, nhưng chỉ những người sành điệu có hầu bao rủng rỉnh mới dám chơi Vespa cổ. Cứ nhìn những cô nàng đỏng đảnh kiêu hãnh với “vòng ba” lý tưởng của người phụ nữ, những đường cong tuyệt mĩ thì khó dân chơi nào có thể kìm lòng được. Vespa cổ khó chống cự lại với sự tàn phá của thời gian, nhiều bộ phận máy móc không còn nhạy như xưa, nên thỉnh thoảng nó giở chứng giữa đường, dân chơi an ủi “thế là mình có một bài tập cả về thể lực và ý chí”.
Đi Vespa cực khó, nhất là với giới nữ. Quen chạy xe thường, tay ambraya tự động khi muốn tăng tốc cứ thế giảm ga, còn Vespa giảm ga nhất thiết phảibóp ambraya. Xe lại nặng, từ khâu khởi động cũng nặng, đi xe nếu không có sức khỏe tốt thì đành chịu ngồi ngắm mà thèm. Thùy An, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau một thời gian gắn bó với Vespa cổ than thở: “Cô nàng uống xăng như nước lã, chưa kể dăm hôm ba bữa chết máy giữa đường. Muốn tìm chỗ sửa xe dọc đường cũng khó, nhiều khả năng phải thuê xích lô hoặc một người dắt hộ, còn mình nhảy xe ôm rà theo... Chưa kể, Vespa cổ mua về bao giờ cũng phải “mông má” lại một lượt, hầu bao cứ thế mà đi theo. Nhưng nghề chơi nào mà chả lắm công phu, mình cũng thấy tự hào khi đi cùng nó”.
Dân nghiền Vespa khi được hỏi về chiếc xe yêu quý của mình thì hết lời khen ngợi. Có chàng trai gọi Vespa là “người tình trong mộng” của mình, rồi diễn tả cảm nhận về tiếng nổ: “Đầu tiên hãy lắng nghe tiếng máy nổ như lời em đang tâm sự “phịch.. phịch..phịch..”. Tiếng nổ mới êm tai làm sao! Đích thị là một em Standard được làm máy “tới”. Tiếng nổ của Vespa cũng như tiếng nói của một người con gái. Cho dù có đẹp đến mấy, chân em có dài đến mấy, cốp có to đến mấy mà giọng nói lại ồm ồm như vịt đực thì... chỉ có một cái nòng “zin”, một quả pítton Italia chính hiệu cộng thêm ống bô được o bế một cách tỉ mẩn mới làm em cất tiếng ngọt như mía lùi...”.
Giữa đường phố đông nghịt bỗng như cháy bừng lên khi xuất hiện “cô nàng” Vespa trong “trang phục” lộng lẫy. Những chiếc xe cứ nhẹ nhàng lướt đi trên phố, xinh đẹp và kiêu kỳ để rồi hút hồn bao chàng trai si tình.
Khánh Hồng