Du thuyền Hạ Long nhộn nhịp trở lại: Kỳ vọng thu hút khách quốc tế

Du lịch - Ngày đăng : 16:46, 26/02/2023

(HNMO) - Sau hơn 2 năm tê liệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động du thuyền trên vịnh Hạ Long bắt đầu trở lại. Đây cũng là tuyến du lịch thu hút nhiều du khách nội địa từ Hà Nội và khách quốc tế đến Hà Nội bởi sự thuận tiện về lịch trình di chuyển cũng như sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngắn ngày.

Hoạt động du thuyền trên vịnh Hạ Long sôi động trở lại sau dịch Covid-19.

Thêm dòng sản phẩm liên kết Hà Nội - Hạ Long

Giữa tháng 2 vừa qua, du thuyền 5 sao Ambassador Cruise thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn du thuyền cao cấp châu Á (APC) ra mắt dòng sản phẩm phục vụ khách trong ngày (Ambassador Cruise II) đã tạo nên một phân khúc thị trường mới cho hoạt động du thuyền trên vịnh Hạ Long.

Ambassador Cruise II được mệnh danh là siêu du thuyền với 6 tầng, có sức chứa lên đến 500 khách. Khách từ Hà Nội muốn trải nghiệm dịch vụ này có thể trả chi phí khoảng 2,5 triệu đồng/người, bao gồm cả dịch vụ xe đưa đón, trải nghiệm các hoạt động vui chơi, ăn uống, chụp ảnh trên tàu, tham quan một số điểm trên vịnh Hạ Long, như: Hang Sửng Sốt, tắm trên đảo Ti Tốp, thưởng thức trà chiều…

Chia sẻ về sản phẩm mới, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của APC Đoàn Ngọc Bảo cho biết, sản phẩm du thuyền mới này được kỳ vọng như “đòn bẩy” để gia tăng lượng khách quốc tế, đặc biệt là dòng khách trong khu vực châu Á tới Việt Nam.

“Hiện nay, khách châu Âu, Mỹ chưa vào Việt Nam nhiều, nhưng dòng khách từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN đang là thị trường rất tiềm năng và có khả năng chi trả cao cho hoạt động du lịch. Thời điểm này, việc ra mắt dòng sản phẩm cao cấp có thể sẽ tạo thêm đòn bẩy để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Du khách có thể dừng chân lưu trú tại Hà Nội rồi đến Hạ Long bằng đường bộ hoặc đường hàng không đều rất thuận tiện”, ông Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ.

Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch ban ngày trên tàu Ambassador II.

Tương tự, để tăng sức hấp dẫn dịch vụ du thuyền trên vịnh, từ tháng 3-2022, Công ty Hương Hải Hạ Long đi vào hoạt động hai dòng sản phẩm là du thuyền Sea Octopus phục vụ khách theo tiếng đi ban ngày (có sức chứa 280 người) và du thuyền ăn tối, ngắm vịnh ban đêm. Giám đốc Công ty Hương Hải Hạ Long Bùi Đức Long cho biết, hai dòng sản phẩm này đã phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau, trong đó nhiều nhất là khách nội địa vào mùa hè 2022 và bắt đầu đón khách từ nhiều quốc tịch, chủ yếu từ khu vực Đông Nam Á.

Còn theo Giám đốc điều hành hai du thuyền Swan Cruise và Sena Cruise Nguyễn Thị Hoa, thời điểm này, lượng khách đặt dịch vụ vào những ngày cuối tuần nhiều thời điểm đã kín chỗ, trong đó khách Hà Nội và quốc tế đặt nhiều hơn so với năm 2022. Các đơn vị kinh doanh kỳ vọng dịch vụ tàu sẽ đông khách đặt vào dịp nghỉ lễ 30-4 tới.

Có thể thấy, hoạt động du lịch tàu xuất phát từ cảng tàu quốc tế (Sun World, Hạ Long) và cảng quốc tế Tuần Châu đi các tuyến: Vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, vịnh Bái Tử Long đang hút du khách trở lại. Đặc biệt, khi những dòng sản phẩm cao cấp từ các du thuyền hạng sang, chất lượng 5 sao, như: Ambassador Cruise, Paradise Grand Cruise, Ha Long Capella Cruise, Indochina Sails, Heritage Line, Paradise Cruise, Sea Octopus… mang đến diện mạo mới cho du lịch trên vịnh.

Sự trở lại của những “nữ hoàng” biển cả

Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh, trước dịch Covid-19, hoạt động tham quan trên vịnh Hạ Long cả tour ngày và tour đêm, mỗi ngày phục vụ trên 10 nghìn lượt khách, ngày cuối tuần đón 20-30 nghìn lượt. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ hoạt động du lịch, hơn 500 tàu du lịch (cả tàu theo giờ và tàu lưu trú đêm) rơi vào tình thế điêu đứng.

Theo tìm hiểu, từ giữa năm 2020, khi hoạt động du lịch trở lại, tập trung vào khách nội địa, hoạt động tàu trên vịnh Hạ Long rục rịch khôi phục. Từ tháng 3-2022, khi hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn, du lịch trên vịnh Hạ Long sôi động hơn. Vào cuối năm 2022, lượng khách đặt dịch vụ du thuyền trên vịnh khá cao, trong đó có nhiều đoàn khách từ thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore…, tạo nên sức cạnh tranh lớn cho các đội tàu.

Hoạt động dịch vụ, giải trí trên các du thuyền đang được nâng cao chất lượng hơn để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chi hội phó Chi hội Tàu du lịch Hạ Long Trần Văn Hồng cho biết, so với thời điểm trước dịch, lượng khách tham quan, trải nghiệm trên vịnh Hạ Long vẫn chỉ bằng 1/3 (khoảng 5-7 nghìn khách/ngày), nhưng đã mang đến tín hiệu phục hồi dần, nhất là với khách quốc tế.

“Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, sản phẩm tàu du lịch trên vịnh đang được nâng cấp với nhiều dịch vụ, như: Tàu ngày, tàu nghỉ đêm, tàu ăn tối trên vịnh; các hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm trên tàu cũng được xây dựng, làm mới… Chúng tôi kỳ vọng, các đội tàu sẽ có sự liên kết chặt chẽ với đơn vị lữ hành để có thể đưa khách từ Hà Nội và các địa phương lân cận đến với Hạ Long, xây dựng chuỗi sản phẩm trải nghiệm liên kết hấp dẫn cho du khách”, ông Trần Văn Hồng chia sẻ.

Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt kỳ vọng sẽ đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, chất lượng để thu hút khách. Du lịch trên biển đang là một trong những sản phẩm được tập trung khai thác, kỳ vọng sẽ đón đầu được lượng khách quốc tế trong năm nay.

Hoàng Lân