Thủ tướng: Hòa Bình phải dành những khu đất thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 14:19, 26/02/2023
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hòa Bình; đặc biệt có trên 400 đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cơ chế, chính sách ưu đãi riêng để thu hút đầu tư
Giới thiệu về tiềm năng đầu tư tỉnh Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết, là tỉnh nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, cách thành phố Hà Nội trên 70km, có lợi thế đặc trưng về khí hậu và địa lý, tỉnh Hòa Bình đã và đang phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả; gắn kết chặt chẽ công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hòa Bình có các loại nông sản thế mạnh, thương hiệu trên thị trường như: Cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá, tôm hồ sông Đà…
Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 8 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 1.500ha; đang đề nghị mở rộng Khu công nghiệp Lạc Thịnh lên khoảng 1.000ha, bổ sung thêm 3 khu công nghiệp mới với diện tích trên 1.260ha và 21 cụm công nghiệp với diện tích trên 800ha; phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Về văn hóa - du lịch, cùng với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh. Tỉnh có Khu du lịch nước khoáng Kim Bôi, Quý Hòa Lạc Sơn, Bảo hiệu Yên Thủy; Khu du lịch tâm linh Chùa Tiên Lạc Thủy, Đề Bờ, Động Thác Bờ hồ Hòa Bình; Khu du lịch văn hóa Bản Lác Mai Châu…, đặc biệt là Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được quy hoạch là một trong 12 khu du lịch quốc gia trong khu vực.
Về cơ chế chính sách, ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hòa Bình còn có một số cơ chế chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu...
Hòa Bình chú trọng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm; trong thương mại, dịch vụ, tỉnh ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Trong du lịch, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia, các khu, điểm và kết nối tuyến du lịch...
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước phát biểu đánh giá về những tiềm năng, chính sách thu hút đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư tại tỉnh Hòa Bình. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị để việc thu hút đầu tư vào tỉnh Hòa Bình mạnh mẽ hơn nữa; cho biết tiếp tục đầu tư ổn định và mở rộng đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, du lịch, nông nghiệp sạch...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau hội nghị xúc tiến đầu tư của 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, Hòa Bình là địa phương đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chương trình, kế hoạch hành động, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Qua đó có những quyết sách kịp thời, kiến tạo nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh Hòa Bình. Thủ tướng cho biết, những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Hòa Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, hoàn thành và vượt hầu hết các mục tiêu chủ yếu do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Trong đó, năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động; trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183 nghìn tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình và những thành tích, kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Tạo điều kiện cho người dân “ly nông nhưng không ly hương”
Cùng với phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để Hòa Bình tăng cường thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả cao nhất các tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế đạt mức trung bình của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Hòa Bình phải tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm phát triển, tạo đột phá về hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh tập trung phát triển các ngành theo hướng bền vững, phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh và hóa giải những hạn chế, thách thức, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dựa trên đổi mới, sáng tạo. Hòa Bình phải tiếp tục xây dựng đội ngũ hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; lãnh đạo tỉnh phải cầu thị, lắng nghe, giải quyết các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trước mắt tập trung triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình kết nối các tỉnh vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh tập trung xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên và bố trí nguồn lực hợp lý cho phát triển vùng động lực; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước, trước hết với thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiêu thụ hàng hóa nông sản và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp chế biến.
Hòa Bình cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch cho nhà đầu tư; nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để bứt phá đi lên; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Hòa Bình phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân; cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm…
“Hòa Bình phải dành những khu đất thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì có phát triển sản xuất, kinh doanh mới có công ăn, việc làm; có công ăn, việc làm mới có người đến làm; có người đến làm thì mới có người đến ở; có người đến ở mới có người mua nhà; có người mua nhà mới phát triển đô thị; phát triển đô thị thì mới phát triển kinh doanh bất động sản”, Thủ tướng nhắc nhở.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng cảm ơn tình cảm, sự vững tin, đầu tư và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Hòa Bình và Việt Nam nói chung; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực.
“Các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục rà soát, bảo đảm những dự án đăng ký phải là dự án hiệu quả, khả thi, loại trừ dự án không khả thi, kém hiệu quả; đồng thời chú trọng phát triển dự án, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và có chiến lược kinh doanh lâu dài, lành mạnh, bền vững tại tỉnh Hòa Bình”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà đầu tư đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cùng chính quyền địa phương, đoàn thể chung tay giúp đỡ các gia đình có công, đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa; phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với địa phương để kịp thời giải quyết vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; tạo điều kiện cho người dân Hòa Bình “ly nông nhưng không ly hương”, xóa đói, giảm nghèo; đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ để giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hòa Bình và các địa phương trong cả nước tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển dự án đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan.
Thủ tướng tin tưởng, ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Hòa Bình để làm giàu, góp phần vào sự phát triển của tỉnh và đất nước Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Hòa Bình huy động cao nhất nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước để Hòa Bình tăng tốc phát triển.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm, lựa chọn Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng là điểm đến đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 nhà đầu tư đại diện thực hiện 15 dự án vào tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 47 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 2 tỷ USD) trong các lĩnh vực du lịch, chế biến thực phẩm, công nghiệp xi măng, hạ tầng khu công nghiệp, phát triển đô thị...