Sớm gỡ vướng cho các dự án điện

Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 26/02/2023

(HNM) - Việc hoàn thành các công trình trạm biến áp 110kV, 220kV, 500kV và đường dây truyền tải điện trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua chưa đạt yêu cầu, chủ yếu do chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng. Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc và các dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”, Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ thiếu điện vào năm 2024-2025.

Mặt bằng xây dựng Trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân đang được trưng dụng làm điểm tập kết vật liệu xây dựng.

Nhiều lý do chậm tiến độ

Dự án xây dựng Trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân, nằm trên địa bàn hai phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) và Nhân Chính (quận Thanh Xuân), theo kế hoạch sẽ nhận đủ mặt bằng trong tháng 12-2022. Tuy nhiên đến nay, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) vẫn chưa được chính quyền địa phương bàn giao, vì vậy tiến độ khởi công cũng phải lùi lại.

Dự án này nằm ở cuối ngõ 13 đường Khuất Duy Tiến. Phần lớn diện tích đang được “trưng dụng” làm điểm tập kết vật liệu xây dựng, đổ phế thải. Đây cũng là nơi Hợp tác xã Thành Công bố trí điểm trung chuyển rác thải. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân Đặng Hoàng Linh cho biết, trạm biến áp nằm trong dự án xây dựng Khu đô thị mới Phùng Khoang. Hiện ranh giới hành chính giữa phường Nhân Chính và Trung Văn chưa được xác định trên thực địa, nên địa phương chưa thu hồi được đất. Quận Thanh Xuân đã yêu cầu chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang chồng ghép bản đồ hiện trạng dự án và bản đồ địa giới hành chính để xác định ranh giới nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành. Mặt khác, quận đã liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường, các quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm sưu tra bản đồ địa chính nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trong khi đó, với Trạm biến áp 220/110kV Phú Lương (quận Hà Đông), theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông Phạm Thị Phương Thảo, hiện nay còn duy nhất 1 hộ dân với diện tích 105,7m2 chưa giải phóng mặt bằng. Còn lại diện tích gần 3.400m2 đã “sạch” nhưng nằm trong dự án Khu đô thị Thanh Hà, do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 đang quản lý. Đến nay, công ty này vẫn chưa phối hợp hoàn thiện các thủ tục bàn giao diện tích đất xây dựng trạm biến áp…

Hai dự án trên chỉ là ví dụ cho tình trạng chậm trễ trong giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án phát triển lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo thống kê của EVNHANOI, hiện nay, còn nhiều trạm biến áp 220/110kV chậm tiến độ, như Trạm biến áp 110kV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ đường dây 110kV, Trạm biến áp 220/110kV Đại Mỗ và nhánh rẽ 220kV... ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển điện lực năm 2023 của thành phố.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho hay, trong năm 2022, tiến độ khởi công và hoàn thành các công trình 110kV, 220kV, 500kV chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ khởi công là 46,67% và tỷ lệ hoàn thành là 60,7%. Nguyên nhân dẫn đến trễ tiến độ hoàn thành các công trình điện, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung cấp điện chủ yếu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. 

"Tại một số địa phương, người dân chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường, hỗ trợ, dẫn đến quá trình bàn giao mặt bằng thi công bị chậm. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa chủ động chuẩn bị thủ tục đầu tư, phối hợp với chính quyền địa phương nên khi bắt đầu triển khai đã gặp ngay vướng mắc, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện", ông Nguyễn Đình Thắng nêu.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Việc chậm triển khai xây dựng các trạm biến áp, đường dây tải điện sẽ ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho Hà Nội. Đánh giá về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Ðiện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Bùi Quốc Hùng cho rằng, hiện nay, nhu cầu sử dụng điện rất cao và sẽ tăng cùng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nếu việc xây dựng, đưa vào hoạt động các trạm biến áp, đường dây tải điện bị chậm, rất có thể Hà Nội sẽ thiếu điện vào năm 2024-2025.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình điện, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng đã kiến nghị thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các chủ đầu tư để đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục triển khai dự án; nghiên cứu quy định pháp luật, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương đề xuất, tham mưu với thành phố những giải pháp, cơ chế nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh việc chấp thuận chủ trương đầu tư công trình điện đang bị chậm tiến độ. Cùng với đó, EVNHANOI chủ động, nhanh chóng cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, giải trình các vấn đề còn vướng mắc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng…

Liên quan đến vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện liên quan giải quyết những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để xây dựng trạm biến áp, đường dây truyền tải điện. Ðối với quy hoạch các trạm biến áp 500kV, thành phố đề nghị ngành Điện xây dựng kế hoạch đặt một số trạm biến áp tại những địa phương lân cận Hà Nội. Quá trình xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống điện cần quan tâm đến Quy hoạch vùng Thủ đô, từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp thực tế và phù hợp quy hoạch.

Thanh Hải