Xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn

Giao thông - Ngày đăng : 06:48, 25/02/2023

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 348/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Để tạo chuyển biến tích cực, thực chất, hiệu quả, bền vững, dư luận kỳ vọng cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cùng vào cuộc quyết liệt, tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn một người điều khiển ô tô tại quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Kiên

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội):
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

Bộ Công an xác định việc xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng công an trong năm 2023. Do đó, ngay khi có yêu cầu của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt ra quân, bố trí lực lượng đủ mạnh, huy động 15 tổ 141 cơ động, 15 đội kiểm tra của thành phố cùng với lực lượng ở 30 quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Bám sát Văn bản số 348/UBND-ĐT của UBND thành phố Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) tiếp tục huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; không để những yếu tố bên ngoài tác động, can thiệp, ảnh hưởng đến việc xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn và các lỗi vi phạm giao thông.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng:
Vận động người dân chấp hành nghiêm quy định

Thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng. Trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn và tuyên truyền trực tiếp trong các cuộc họp ở thôn, xóm, khu dân cư... để tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tâm lý, ý thức, thái độ của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với thanh tra Giao thông - Vận tải, các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, làm việc với các cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn để phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.

Ông Nguyễn Đình Nam, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên:
Cần phải được duy trì thường xuyên, liên tục

Số lượng các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn bị xử lý trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tăng đột biến cho thấy hai mặt của vấn đề: Quyết tâm của lực lượng chức năng trong xử lý các vi phạm về nồng độ cồn được nâng cao; ý thức chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường bộ của người dân còn rất hạn chế. Chính vì thế, việc tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm quy định về nồng độ cồn cần phải được duy trì thường xuyên, liên tục, thay vì theo kỳ cuộc hoặc các dịp lễ, Tết. Việc này không chỉ bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông mà còn góp phần rất lớn trong việc kéo giảm số vụ tai nạn giao thông.

Bà Nguyễn Minh Tú, ngõ 371 phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình:
Xây dựng ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân

Khoảng 3 tháng gần đây, lực lượng Cảnh sát giao thông đã gây ấn tượng mạnh với người dân trong việc mạnh tay xử phạt các “ma men” điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố tình tìm đủ lý do để sử dụng rượu, bia và hy vọng “lách” được lực lượng chức năng khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng làm gắt thì ngay lập tức số người vi phạm giảm hẳn. Điều đó cho thấy ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân còn rất thụ động. Do đó, việc tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn chỉ giải quyết “phần ngọn”, về lâu dài vẫn phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành của mỗi người dân khi tham gia giao thông. 

Ông Nguyễn Huy Am, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy:
Đa dạng hóa các hình thức xử phạt

Thực tế, trong số những người đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn lái xe có không ít người là cán bộ, viên chức. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, họ còn phải chịu thêm hình thức xử lý khác, đó là thông báo hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong cơ quan nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định. Cần đa dạng hóa các hình thức xử phạt theo hướng xử kịch khung để tăng tính răn đe, dần tạo nên thói quen, ý thức chấp hành của các tài xế.

Nhóm phóng viên