Thành phố Hồ Chí Minh: Đưa khoa học, công nghệ thành lợi thế
Xe++ - Ngày đăng : 07:10, 24/02/2023
Thành quả bước đầu
Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học công nghệ với tổng doanh thu trung bình hơn 250 tỷ đồng/năm và đã có hơn 500 tài sản sở hữu trí tuệ được đăng ký bảo hộ. Ngoài ra, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh còn có 65 bằng phát minh sáng chế (IP), trong đó có 4 IP quốc tế được cấp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ và 4 đơn đăng ký sáng chế tại Hoa Kỳ đang được thẩm định.
Trong khi đó, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh đã có 435 công bố khoa học trong nước và quốc tế; có 1 bằng độc quyền sáng chế, 1 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 7 tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh thông tin, giai đoạn 2012-2022, trung tâm đạt được thành quả ở ba mặt: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho các chương trình trọng điểm của thành phố.
Còn tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng đạt được kết quả nhất định. Theo Tiến sĩ Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (SHTP Labs), trong 7 năm qua, từ hai công nghệ nguồn (công nghệ Nano và công nghệ Mems) do trung tâm nghiên cứu và phát triển đã thương mại hóa 24 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm có doanh thu khá cao.
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Đến nay, thành phố có gần 2.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm tới 65%. Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của thành phố được đánh giá đi đầu cả nước và đang hình thành các mối liên kết với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Ban hành cơ chế, chính sách mới
Tuy đã đạt được một số thành tựu bước đầu, nhưng Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhận định, sự phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian qua tại thành phố vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ không theo kịp với các đòi hỏi của cơ chế thị trường, nên thị trường khoa học - công nghệ chưa thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Thành phố xác định một trong ba đột phá chiến lược phát triển khoa học và công nghệ là tạo bước chuyển mạnh về nguồn nhân lực. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt để tạo đột phá.
Từ định hướng trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với 8 ngành: Công nghệ thông tin - truyền thông; cơ khí - tự động hóa; trí tuệ nhân tạo; quản trị doanh nghiệp; tài chính - ngân hàng; y tế; du lịch; quản lý đô thị.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế diễn ra hôm 16-2, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, các chủ trương, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ phải bảo đảm tính thực tiễn, phù hợp với sự phát triển của thành phố trong từng giai đoạn.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới, đưa lĩnh vực này trở thành lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó, thành phố tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính; thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; đồng thời nghiên cứu, triển khai các giải pháp để phát triển các doanh nghiệp về khoa học và công nghệ.