Đồng Nai tạo nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 24/02/2023
Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, địa phương này có vai trò đầu mối về giao thông của vùng cũng như của cả nước. Cùng với việc triển khai các dự án có vốn đầu tư từ trung ương, tỉnh Đồng Nai chủ động tạo quỹ đất tại vùng phụ cận các dự án giao thông để bán đấu giá, tạo nguồn lực đầu tư cho hạ tầng.
Tháng 12-2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Trong số này có 3 đề án sẽ được thực hiện trong giai đoạn các năm 2022-2025 và 3 đề án thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. Các đề án gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng đường Ngô Quyền, thành phố Long Khánh; dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 trên địa bàn huyện Long Thành và huyện Thống Nhất; các dự án giao thông trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu; các dự án giao thông trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ; dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 trên địa bàn huyện Xuân Lộc và huyện Cẩm Mỹ; dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B trên địa bàn các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành và thành phố Long Khánh.
Theo các quyết định phê duyệt những đề án trên, tổng nguồn vốn để thực hiện đầu tư các dự án giao thông cũng như công tác giải phóng mặt bằng các khu đất sẽ được khai thác là gần 30.000 tỷ đồng. Với 6 đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông đã được phê duyệt, ước tính sẽ có thêm hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất. Do đó, công tác tạo nguồn vốn đầu tư, vốn phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân đứng trước những áp lực rất lớn. Để tạo nguồn vốn, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ khai thác 21 khu đất với diện tích hơn 1.500ha. Nguồn vốn thu được từ việc đấu giá quỹ đất vùng phụ cận các dự án đã được phê duyệt dự kiến lên đến hơn 41.500 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Huế, 55 tuổi (người dân xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho hay, bản thân gia đình ủng hộ chủ trương thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 cũng như khai thác quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bà Huế cũng mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm đến việc bố trí tái định cư cho người dân để ổn định cuộc sống, tránh những xáo trộn lớn khi phải chuyển đến nơi ở mới.
Với dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Minh Tuấn cho biết, địa phương dự kiến khai thác khu đất có diện tích khoảng 29ha thuộc địa bàn phường Suối Tre. Đáng chú ý, toàn bộ diện tích này là đất trồng cao su nên địa phương không phải thực hiện công tác tái định cư. Còn đối với đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án nâng cấp, mở rộng đường Ngô Quyền, khu đất khai thác có diện tích khoảng 38ha. Các hộ dân có đất phải thu hồi thuộc dự án này sẽ được bố trí tái định cư tại khu tái định cư phường Bảo Vinh đã hoàn thành xây dựng.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) Lê Văn Tưởng thông tin, huyện có 7 khu đất với diện tích hơn 530ha được khai thác thuộc các dự án giao thông trên địa bàn huyện, dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 và dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 770B. Ngoài ra, địa phương dự kiến triển khai nhiều dự án giao thông khác trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, để phát huy hết lợi thế từ các tuyến trục chính giao thông trên, tỉnh phải đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối. Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các tuyến giao thông là rất lớn. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách địa phương eo hẹp, Đồng Nai sẽ tìm kiếm thêm nguồn lực thông qua khai thác các quỹ đất lợi thế hai bên các tuyến giao thông mà địa phương đang triển khai thực hiện. “Việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông sẽ giúp tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh.