"Làm theo" không có nghĩa là bắt chước

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 17:17, 03/04/2007

(HNMĐT) - Chiều 3/4, Báo Hànộimới đã tổ chức buổi tọa đàm

(HNMĐT) - Chiều nay, 3/4, Báo Hànộimới đã tổ chức buổi tọa đàm "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Rất đông các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, giảng viên các trường đại học, những người làm công tác đoàn thể... đã cùng thảo luận xung quanh việc hiểu và vận dụng những tư tưởng đạo đức của Người trong điều kiện mới.

Phát biểu có tính đề dẫn tại buổi tọa đàm, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Hànộimới Tạ Việt Anh nêu rõ: sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đổi mới, chỉnh đốn Đảng, mà trọng tâm về tư tưởng là giáo dục lập trường giai cấp công nhân, bản chất cách mạng và niềm tin cộng sản, lòng yêu nước, thương dân. Người luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về phẩm chất đạo đức, đặt lên hàng đầu vấn đề "tư cách người cách mạng" và nhấn mạnh "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân", phải "chí công vô tư", "dĩ công vi thượng" - phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và nhân dân lên trên hết. Bác cũng dành muôn vàn tình yêu thương và mong muốn mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, bao dung và nhân ái…

Đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển theo con đường XHCN, thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ càng trở nên hết sức quan trọng. Bởi vì, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh luôn là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta phát huy nội lực, vượt qua thách thức, khó khăn để tiến lên. Đặc biệt, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một biện pháp quan trọng để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái "có tính nghiêm trọng" về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đã sôi nổi cùng trao đổi, thảo luận, phân tích, nêu rõ ý nghĩa to lớn và sâu sắc của những bài học trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; ý nghĩa, vai trò tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; những kỷ niệm sâu sắc có liên quan đến Bác Hồ. Một số đại biểu đã giới thiệu những tập thể, cá nhân thực hiện tốt lời dạy của Người; đề xuất những giải pháp, những hình thức cụ thể, nhằm đưa Cuộc vận động đạt hiệu quả cao và trở thành phong trào rộng khắp.

Tham luận tại buổi tọa đàm, Giáo sư Tiến sĩ Mạnh Quang Thắng, Vụ trưởng Vụ quản lý khoa học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây là cuộc vận động có nhiều ý nghĩa, là yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, xuất phát từ thực trạng, thôi thúc trong Đảng, trong dân. Nhấn mạnh tới ý nghĩa của cụm từ "làm theo" trong tên của cuộc vận động, ông cho rằng, làm theo không có nghĩa là bắt chước, mà là học cái cốt lõi trong tư tưởng đạo đức của Người. Việc học tập và làm theo có nhiều nội dung, các cơ sở, tổ chức, đoàn thể nếu xây dựng chương trình hành động không cẩn thận, không sát thì sẽ không đạt hiệu quả. Làm sao "nói" phải đi đôi với "làm", nếu điều kiện chưa cho phép làm, chớ có ghi trong chương trình hành động, thà thực hiện tốt một vài điểm còn hơn ghi nhiều làm ít, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Đề cập đến khía cạnh "quyền lực và đạo đức" trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, đây là cuộc vận động chung cho toàn xã hội, nhưng trước hết là của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên chính là tấm gương của xã hội, nếu gương sáng thì dân mới soi vào đó mà làm theo. Thêm vào đó, do Đảng ta là đảng cầm quyền nên các cán bộ trong Đảng ít nhiều đều có quyền hành, có quyền mà thiếu lương tâm thì sẽ sinh ăn của đút. Trong điều kiện hiện nay, nếu quyền lực được trao vào người có đức thì sẽ là sức mạnh, còn nếu không, người đó sẽ bị tha hóa, biến chất, tiêu cực từ đó mà sinh ra. Theo giáo sư, vấn đề cơ bản trong tư tưởng HCM là kết hợp đức trị và pháp trị. Con người đã dính vào tham nhũng mà chỉ giáo dục đức trị không thôi thì không đủ, cần phải kết hợp giáo dục đạo đức đi đôi với tăng tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, khoa học, công bằng pháp luật.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyền, Tổng biên tập Tạp chí Dân vận, một trong những vấn đề của xã hội ta là đang có hội chứng nói chưa đi đôi với làm, điều này đi ngược lại tư tưởng đạo đức Hồ CHí Minh và đây chính là biểu hiện của bệnh quan liêu. Nguy cơ một chính quyền trở thành quan liêu luôn tiềm ẩn. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chống nguy cơ chính quyền bị quan liêu. Người từng phê phán nghiêm khắc những ông quan cách mạng, kênh kiệu, khệnh khạng... Bệnh quan liêu rất nguy hiểm, làm cho người lãnh đạo, cơ quan lãnh đạo xa rời cấp dưới, trên tưởng cái gì cũng tốt đẹp, dưới thì không dám nói ra, cứ để trong lòng, sinh uất ức, chán nản, trong Đảng không ý kiến nhưng ngoài Đảng thì "nhiều mồm"... Bệnh quan liêu thủ tiêu tính tích cực của mọi người, nó hiện ra bên ngoài với muôn vàn hiện trạng khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khắc họa chân dung cán bộ quan liêu là "nghị quyết đầy túi áo, thông báo đầy túi quần". Phương pháp chống trị mà Người cho là phương thuốc công hiệu đó là: gắn bó nhân dân với cơ chế quyền lực, xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân, đảm bảo 2 quyền cơ bản là bầu cử và bãi miễn của dân.

Cùng chung quan điểm với nhiều đại biểu khác, ông Đỗ Xuân Lộc, Trưởng Ban biên tập Bản tin Cựu chiến binh thừa nhận, việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không dễ, nhưng làm theo được thì phải gắng bội phần. Đạo đức Hồ Chí Minh trở thành tấm gương sáng để người người noi theo chính là bởi sự nhất quán giữa hành động và lời nói của Người. Cội nguồn cốt lõi đạo đức Hồ Chí Minh là yêu nước thương dân, cái gì có lợi cho dân thì làm, hại cho dân thì tránh. Học và làm theo tư tưởng đạo đức của Người là phải gắn kết không tách rời giữa học và hành, mỗi người phải luôn tự liên hệ, tự phê bình, kiểm điểm cá nhân.

V.A

HONGVAN