Cần phân định rõ lợi ích vì cộng đồng và lợi ích kinh tế khi thu hồi đất
Đời sống - Ngày đăng : 16:49, 22/02/2023
Góp ý về đất tôn giáo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Dung cho rằng, cần bổ sung quy định về điều kiện quy hoạch đất tôn giáo, theo quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có chỉ tiêu sử dụng đất của loại đất cơ sở tôn giáo.
Cũng về lĩnh vực trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng, theo báo cáo một số tỉnh thành, tình trạng các cơ sở tôn giáo tự thỏa thuận, thực hiện việc chuyển nhượng, mua bán lại đất của các hộ gia đình, cá nhân, nhận hiến tặng, công đức không đúng quy định khá phổ biến.
Bên cạnh đó, một số cơ sở tôn giáo sau khi nhận hiến tặng, chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân đã tự mở rộng chùa, nhà thờ mà chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận cho tu bổ, tôn tạo di tích, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Do vậy, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Luật sư Hậu, luật cũng cần quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch liên quan đến tôn giáo. Bên cạnh đó, cần tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền sử dụng đất) và đất kết hợp du lịch để sử dụng đất tiết kiệm, tính thu tiền thuê đất đối với đất du lịch dịch vụ, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc, một số ý kiến tại hội nghị cho rằng, cần bổ sung các quy định bảo đảm cho đồng bào dân tộc, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ...
Nhiều đại biểu đề xuất Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho một số lĩnh vực ưu đãi đầu tư về cơ sở giáo dục, đào tạo, thể dục, thể thao và miễn tiền thuê đất cho đơn vị sự nghiệp (tự chủ tài chính), đất xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, các công trình, hạ tầng cảng biển, đường sắt, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội, có lợi cho cộng đồng.
Nhiều ý kiến tại hội nghị đã phản ánh trên thực tế, đã và đang xảy ra hành vi ủy quyền và nhận ủy quyền thực hiện các quyền sử dụng đất, thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy, Nhà nước sẽ thất thu nguồn tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ…Vì vậy, các quy định mới cần có chế tài hạn chế các hành vi này.
Về việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ những mục đích khác nhau, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Vinh Huy cho rằng, cần tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội. Cần có quy định rõ những vấn đề, lĩnh vực nào là lợi ích quốc gia, công cộng ở Việt Nam và các tổ chức, cá nhân phải tôn trọng, ưu tiên những vấn đề, trường hợp đó khi bị thu hồi đất.
Cũng theo ông Nguyễn Vinh Huy, với các dự án phát triển kinh tế đơn thuần, thương mại theo quy hoạch mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, cần làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng, tránh áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt hoặc tạo kẽ hở trục lợi lợi ích nhóm.
“Nhà nước cần phải điều tiết, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Nếu giải quyết tốt lợi ích kinh tế giữa ba chủ thể này, sẽ tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Nếu không, sẽ là nguyên nhân của những đối kháng và mâu thuẫn xã hội”, ông Nguyễn Vinh Huy nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương cho biết, ngoài những hội nghị lấy ý kiến trực tiếp, các cấp MTTQ thành phố vẫn tiếp nhận ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai sử đổi thông qua đường dẫn trực tuyến: https://bit.ly/gopyluatdatdai đến hết ngày 15-3-2023.
“Những ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân sẽ được các cấp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp đầy đủ, trung thực, kịp thời chuyển đến cơ quan chức năng để nghiên cứu, tiếp thu, góp phần hoàn thiện dự án luật”, bà Phan Kiều Thanh Hương nói.