Thị trường chăn nuôi đầu năm: Giá cả bấp bênh nông dân lo thua lỗ
Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:24, 22/02/2023
Giá thịt gia súc, trứng đều giảm
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới ngày 22-2, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước ổn định so với hôm qua, hiện được thương lái thu mua trong khoảng 48.000-53.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg; tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng 48.000-52.000 đồng/kg; giá lợn hơi được bán với giá 50.000-53.000 đồng/kg.
Ông Đặng Văn Mỳ ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết, từ trong Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, giá lợn hơi luôn ở mức thấp, hôm nay giảm 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Thực tế, giá lợn hơi giảm khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ ngại tái đàn, tăng đàn. Đối với những hộ chăn nuôi khép kín chủ động con giống và một phần thức ăn chăn nuôi thì hòa vốn hoặc lãi ít. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đi mua con giống, với giá thức ăn chăn nuôi tăng như hiện nay, mỗi kỳ xuất chuồng lỗ khoảng 1 triệu đồng/con. Do đó, đến thời điểm này người dân không mặn mà với nuôi lợn thương phẩm vì sợ tiếp tục thua lỗ.
Không riêng các hộ chăn nuôi lợn, đối với các hộ chăn nuôi gà công nghiệp, giá trứng cũng giảm. Hiện, giá trứng gà tại miền Bắc và miền Trung giảm 200 đồng/quả xuống mức 1.800-2.000 đồng/quả. Giá trứng gà ở vùng Đông Nam Bộ tăng 100 đồng/quả, lên mức 2.100-2.200 đồng/quả; vùng Tây Nam Bộ ổn định ở mức 1.900-2.000 đồng/quả. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam giảm 4.000 đồng/kg, xuống mức 39.000-40.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày giảm do nguồn cung khá dồi dào...
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn cả nước phát triển tốt, ước tổng đàn lợn đạt hơn 28,6 triệu con, tăng khoảng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022. Nguồn cung thịt lợn hồi phục tốt trong thời gian qua khiến giá lợn giảm.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng. Hiện, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng 38% so với cùng kỳ và gấp đôi so với mức chi phí năm 2020, ảnh hưởng đáng kể đến không chỉ các trang trại hộ gia đình mà còn cả các trang trại thương mại vì chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 75% tổng chi phí chăn nuôi...
Theo dõi sát sao tín hiệu thị trường
Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần chuẩn bị sẵn sàng chuồng trại, con giống và theo dõi sát sao tín hiệu của thị trường khi giá lợn hơi có chiều hướng tăng lên sẽ có kế hoạch tái đàn, tăng đàn phù hợp gắn với các biện pháp phòng chống dịch bệnh an toàn, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai), để tiết kiệm chi phí sản xuất, người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như ngô, lúa, các phụ phẩm nông nghiệp khác để giảm nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp liên tục leo thang như hiện nay...
Cùng với đó các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi về vốn với lãi suất ưu đãi để duy trì tổng đàn, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để ổn định nguồn cung chăn nuôi, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao, gắn sơ chế và chế biến sâu. Cùng với đó, Hà Nội tập trung sản xuất con giống và hợp tác chăn nuôi thương phẩm với các tỉnh; đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, chế biến, giết mổ. Các hộ chăn nuôi liên kết với hợp tác xã để sản xuất theo nhu cầu thị trường, giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn, bảo đảm các bên cùng có lợi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, thời gian tới, giải pháp thị trường chính là động lực để tháo gỡ khó khăn và duy trì tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Các địa phương cần hỗ trợ người chăn nuôi trong xúc tiến thương mại, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn hàng rào kỹ thuật và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện công tác chuyển đổi số về lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia để tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong chăn nuôi; thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, giá thức ăn, giá thành sản phẩm chăn nuôi, giúp người chăn nuôi nắm bắt biến động của thị trường, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả...