Từ 30/3, thương hiệu Citigroup đổi thành Citi

Thế giới - Ngày đăng : 14:47, 01/04/2007

Bắt đầu từ ngày 30/3, Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ dùng tên gọi ngắn hơn, đơn giản là Citi thay cho thương hiệu lừng danh Citigroup.

Kế hoạch đổi mới này là một phần trong kế hoạch cải tổ của Charles Prince (phải) - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của hãng

Bắt đầu từ ngày 30/3, Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ dùng tên gọi ngắn hơn, đơn giản là Citi thay cho thương hiệu lừng danh Citigroup.

Trên logo mới cũng không có hình chiếc ô màu đỏ quen thuộc với bao thế hệ nhân viên cũng như khách hàng và đối tác nữa.

Bắt đầu từ quý II/2007, tất cả mọi chương trình quảng cáo và marketing của Citi trên phạm vi toàn cầu sẽ mang thương hiệu mới.

Các mảng kinh doanh sẽ bắt đầu dùng nhãn hiệu chữ Citi màu bạc và hình cung màu đỏ gồm dịch vụ Ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp sẽ dùng thương hiệu Citi, Ngân hàng quản lý tài sản sẽ sử dụng Citi Smith Barney, Citi Investment Research and Citi Private Bank, và Ngân hàng đầu tư đa dạng sẽ sử dụng Citi Alternative Investments.

Các mảng kinh doanh bán lẻ trên toàn cầu của Citi, bao gồm mạng lưới các chi nhánh của Citibank, sẽ giữ nguyên nhãn hiệu và biển hiệu chữ Citi màu xanh và hình cung màu đỏ. Mặc dù tập đoàn sử dụng thương hiệu Citi trong kinh doanh, tên pháp lý vẫn giữ nguyên là Citigroup Inc. Tên của nhiều thực thể pháp lý trực thuộc sẽ không thay đổi.

Biểu tượng vòng cung đỏ trên đầu được hãng cho rằng nó thể hiện sự vươn xa và việc kết nối các mảng kinh doanh tại hãng để phục vụ khách hàng, phản ánh việc đấu nối với các thị trường mới và sản phẩm mới để giúp khách hàng thành công.

Mỗi chi nhánh của tập đoàn sẽ sử dụng một màu khác nhau trên logo, chẳng hạn bộ phận đầu tư dùng gam đen là chủ đạo, gam màu đỏ cho quản lý tài sản và màu xanh cho bộ phận kinh doanh khách hàng.

Tên và hình ảnh mới được thay đổi kéo theo khá nhiều việc cần làm vì logo xuất hiện nhiều ở các mẫu quảng cáo, tòa nhà và cả thẻ tín dụng.

Kế hoạch đổi mới này là một phần trong kế hoạch cải tổ của chủ tịch tập đoàn Charles Prince. Hình ảnh chiếc ô của tập đoàn Travelers Group sử dụng trước khi sáp nhập với Citicorp năm 1998 sẽ không được sử dụng nữa. Biểu tượng này có lịch sử tới 137 năm song các chuyên gia cho rằng nhiều nghiên cứu thị trường chỉ rõ hình ảnh đó không gây hứng thú cho khách hàng Mỹ.

"Thương hiệu thống nhất này phản ánh quyết tâm sẽ phục vụ khách hàng như một công ty, như một Citi. Citi đã là một trong những thương hiệu nổi tiếng và được tin cậy nhất trong ngành dịch vụ tài chính toàn cầu, là một thương hiệu có hiệu quả cao trong nhiều ngôn ngữ, thị trường và các cơ sở công nghệ. Một thương hiệu thống nhất phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc cung cấp cho khách hàng các dịch vụ, sản phẩm tốt hơn cả", Charles Prince - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của hãng cho biết.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Citigroup, hãng trình ra một thương hiệu thống nhất cho các khách hàng. Thương hiệu này phản ánh cam kết của hãng đối với khách hàng để phục vụ những nhu cầu của họ, một cách nhất quán, thống nhất bởi một mục tiêu chung và những giá trị chung. Tập đoàn Citigroup là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính ưu việt, với khoảng 200 triệu tài khoản khách hàng tại hơn 100 nước.

Lịch sử của Citi khởi đầu từ khi thành lập Citibank năm 1812, Bank Handlowy năm 1870, Smith Barney năm 1873, Banamex năm 1884, và Salomon Brothers năm 1910. Những thương hiệu lớn khác trong thương hiệu của Citi bao gồm Citi Cards, CitiFinancial, CitiMortgage, CitiInsurance, Primerica, Diners Club, The Citigroup Private Bank, and CitiCapital.

Theo báo cáo vừa được Tạp chí Kinh doanh Mỹ Forbes công bố thì đại gia ngân hàng Mỹ Citigroup chiếm vị trí số 1 trong số các công ty hàng đầu thế giới năm 2007.

Citigroup dẫn đầu danh sách gồm 2.000 công ty đại chúng toàn cầu của Forbes nhờ phương thức kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường tính theo giá cổ phiếu hiện hành.

Thương hiệu mới được kỳ vọng sẽ giúp hãng tăng doanh thu, tận dụng cơ hội về đồng bộ và do vậy, tăng lợi nhuận.

Nhật Vy/VNN

VANKHANH