Hội đồng niên và tục vọng lão của người Việt

Xã hội - Ngày đăng : 08:32, 01/04/2007

(HNM) - Cách thành phố Hà Đông khoảng một cây số về phía Đông Nam, Đa Sỹ là một làng cổ có nghề rèn nổi tiếng. Đón nhận cơn gió kinh tế thị trường thổi tới, những tưởng nghề rèn dao kéo sẽ bị mai một bởi dao kéo inox tràn ngập thị trường, nhưng làng Đa Sĩ vẫn duy trì được nghề rèn truyền thống lâu đời của mình.

(HNM) - Cách thành phố Hà Đông khoảng một cây số về phía Đông Nam, Đa Sỹ là một làng cổ có nghề rèn nổi tiếng. Đón nhận cơn gió kinh tế thị trường thổi tới, những tưởng nghề rèn dao kéo sẽ bị mai một bởi dao kéo inox tràn ngập thị trường, nhưng làng Đa Sĩ vẫn duy trì được nghề rèn truyền thống lâu đời của mình.

Đặc biệt hơn, những giá trị truyền thống của làng vẫn còn giữ nguyên giá trị và duy trì cho đến tận ngày nay. Một trong những nét đẹp đó là Hội đồng niên và tục Vọng lão mang đậm nét văn hóa đặc sắc của cư dân đồng bằng Bắc bộ.

Tục kết Hội đồng tuế, sau này quen gọi là Hội đồng niên không biết có từ bao giờ. Nhưng những tráng đinh trong làng sinh ra cùng năm, đến tuổi “tam thập nhi lập” thường họp bạn liên kết với nhau trong các sinh hoạt làng chạ theo phong tục. Khi các tráng đinh bắt đầu tự nguyện họp bạn lập Hội đồng tuế sẽ sửa một cái lễ “hàn lâm” mang ra lễ ở miếu và đình làng gọi là Lễ trình Đức bản cảnh Thành Hoàng làng. Hội đồng tuế không chỉ làm việc khi làng có đám, mà bất cứ việc gì của làng, Hội đồng tuế cũng có thể tham gia. Quan trọng nhất là các thành viên luôn có những hoạt động giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Nhiều người tuy làm ăn xa, nhưng đến kỳ hạn vẫn về tham gia Hội đồng tuế, đó là tập quán đẹp của người Việt.

Song song với Hội đồng tuế là tục Vọng lão ở làng Đa Sỹ. Nôm na đó là ra hầu nhà Thánh, nghĩa là năm đó, Hội đồng tuế ấy đến tuổi năm mươi sẽ được ra phục vụ mọi công việc trong các kỳ tế lễ ở miếu và đình làng trong một năm. Lúc đó, hội sẽ mang tên Hội đồng tuế Vọng lão, chỉ tồn tại trong năm ấy mà thôi, sau đó sẽ trở lại Hội đồng tuế bình thường. Cả đời người chỉ có một năm ấy được tham gia tập tục Vọng lão đẹp đẽ đó, chuẩn bị lên lão. Điều này khiến cho các thành viên trong Hội ai ai cũng đầy tâm trạng nghiêm trang, thành kính. Hội đồng tuế chuẩn bị cho dịp này từ một hai năm trước. Hội đồng tuế Vọng lão thường xin ý kiến các bô lão trong làng để cúng tiến một món đồ thích hợp nhưng chiêng khầm, trống sấm hay hoành phi câu đối.

Nhìn về xa xưa, làng Đa Sỹ ban đầu có tên Huyền Khê, sau đổi thành Đan Khê. Rồi đến khi ông tổ ngành Quân y Hoàng Đôn Hòa cùng phu nhân là công chúa Phương Dung về quê phát thuốc cứu dân bên dòng sông Nhuệ thì làng lại đổi tên thành làng Đa Sỹ (Bến thuốc). Vào đời Hậu Lê, cả làng Đan Sỹ có tới 12 vị tiến sĩ đều làm quan trong triều, trong đó có 4 vị làm Đại thần Quân cơ. Khi làng có vào đám rước kiệu Đức Bản cảnh Thành Hoàng làng cả 12 vị đều xin vua cho nghỉ để về tham gia việc làng. Nhà vua cảm khái liền ban cho cái tên làng Đa Sỹ (nhiều tiến sĩ). Tập quán kết Hội đồng niên và tục Vọng lão có mang nét riêng của làng Đa Sỹ nhưng cũng là nét văn hóa đẹp đẽ của các cư dân đồng bằng Bắc bộ còn duy trì cho đến ngày nay.

Lê Hồng Quang

ANHTHU