Tái diễn cảnh giải cứu nông sản ''được mùa mất giá''
Nông nghiệp - Ngày đăng : 10:50, 22/02/2023
Khắp nơi giải cứu
Chị Hoàng Mỹ Khánh (ngụ tại đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3) xách 10kg cam Vĩnh Long về nhà, cơ quan chị đang hỗ trợ nông dân “giải cứu” cam với giá 6.000 đồng/kg. Còn tại các sạp lề đường, cam được bán với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. “Nhiều người mua giúp bà con. Cam rẻ, ngọt, mọng nước”, chị Khánh cho biết.
Hầu như mọi chung cư, điểm dân cư và các cơ quan, đoàn thể của thành phố Hồ Chí Minh đều thực hiện nội dung này với nhiều hình thức. Đơn cử, ngày 14-2, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 5 phát động phong trào hỗ trợ nông dân xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long tiêu thụ 15 tấn cam. Tuy nhiên, đến hết ngày 21-2, lượng cam tiêu thụ đã lên đến 50 tấn.
Hội Phụ nữ Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng phát động hội viên tham gia “giải cứu" cam. Chỉ trong vòng 3 ngày, các cấp Hội đã giúp bà con nông dân Vĩnh Long tiêu thụ hơn 60 tấn cam sành các loại. Phòng Kinh tế quận 8 và các cơ quan của quận chỉ trong 4 ngày, đã tiêu thụ hơn 50 tấn cam các loại…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, nông dân toàn tỉnh đang tồn đọng khoảng 80.000 tấn cam. Tuy nhiên, do nguồn cung lớn, thương lái đến vườn chỉ mua với giá khoảng 2.000 đồng/kg, nhưng bà con nông dân vẫn buộc phải bán, dù lỗ. Tình hình tương tự cũng đang xảy ra tại các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang... Ngành Nông nghiệp, Công Thương các địa phương đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ giúp bà con.
Cần giải pháp lâu dài
Huyện Trà Ôn được mệnh danh là “thủ phủ cam” của tỉnh Vĩnh Long, hiện đang có hơn 9.500ha trồng loại cây ăn quả này. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ tháng 2-2023, nông dân bắt đầu thu hoạch cam, nhưng giá bán bình quân tại vườn 2.500 đồng/kg, quá thấp so với những năm trước (khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg). Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn Lê Văn Tám, lượng cam quá nhiều, lại chỉ tiêu thụ nội địa, nên khi bà con thu hoạch rộ, cung vượt quá cầu, giá thu mua xuống thấp.
Nguy cơ cung vượt cầu cho trái cam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo từ 5 năm trước. Lúc đó, mỗi héc ta trồng cam mang lại lợi nhuận cho nông dân đến 370 triệu đồng/năm, nên nhiều người nhanh chóng chuyển sang trồng loại cây có múi này. Đáng nói là, do chạy theo số lượng, phần lớn bà con chỉ trồng loại giống cây cho quả có ngoại hình xấu, chua, nhiều hạt… nên không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đơn cử như tại Vĩnh Long, từ năm 2020 đến nay, diện tích trồng cam tăng bình quân 1.000ha mỗi năm, đưa diện tích cam sành toàn tỉnh lên hơn 17.000ha, tăng 30% so với quy hoạch. Tính đến đầu năm 2023, diện tích trồng cam cả nước đã lên đến hơn 90.000ha, trong khi ngành Nông nghiệp khuyến cáo chỉ trồng khoảng 88.000ha là đủ tiêu thụ trong nước.
Tình hình cung vượt cầu có nguy cơ với nhiều loại trái cây khác ở miền Tây như: Mít Thái, sầu riêng, thanh long… Trước thực trạng này, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương khuyến cáo bà con thận trọng khi phát triển diện tích, chỉ trồng ở những vùng chuyên canh, tập trung để đảm bảo vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn, truy xuất tốt nguồn gốc… để tăng thị trường tiêu thụ.