Tăng cường hội nhập Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN: Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 22/02/2023

(HNM) - Là đơn vị chủ trì, điều phối việc triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN của thành phố Hà Nội, trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến các đối tượng đặc thù và yếu thế. Điều này đã góp phần thực hiện mục tiêu chung về xây dựng một cộng đồng ASEAN “hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội”.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mỹ Đức dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Những “sợi chỉ đỏ”

Tại Kế hoạch hành động thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025, UBND thành phố Hà Nội xác định rõ: Thúc đẩy xây dựng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN “hài hòa, đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ, hướng tới người dân; nâng cao phúc lợi, đời sống, giảm nghèo, xây dựng môi trường sống an toàn cho người dân và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực; khuyến khích mọi thành phần xã hội tham gia và hưởng lợi từ tiến trình liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN”. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực và trách nhiệm trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật và hoạt động liên quan đến các lĩnh vực an sinh xã hội, nhằm bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật đối với người dân, nhất là thực hiện các chính sách, tổ chức các hoạt động liên quan đến nhóm người yếu thế, người nghèo và những vùng khó khăn trên địa bàn thành phố.

Thực hiện kế hoạch hành động này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, với vai trò là cơ quan thường trực, đã tích cực tham mưu lãnh đạo thành phố cụ thể hóa các mục tiêu, lồng ghép các nội dung thực hiện của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến các đối tượng đặc thù và yếu thế. Trong đó, không thể không kể đến 2 chính sách vừa được ban hành cuối năm 2022. Đó là Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 8-12-2022 quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hằng năm của đại diện các Ban Liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức quà tặng của thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Quốc khánh 2-9…

Đối với Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND, thành phố quan tâm đến chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với nhiều ưu đãi về mức điều dưỡng phục hồi sức khỏe, hỗ trợ tiền ăn, tiền khám sức khỏe, tiền mai táng khi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng qua đời…

Còn với Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND, chính sách của thành phố đã bao phủ đến mọi đối tượng đặc thù và yếu thế. Trong dịp Tết Quý Mão 2023, toàn thành phố đã trao tặng 1.778.951 suất quà đến các đối tượng chính sách ưu đãi người có công; người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khó khăn khác với số tiền 834,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025" mà Sở được giao là cơ quan thường trực đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết năm 2022, thành phố đã giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt 218,8% kế hoạch; 100% đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội dưới các hình thức khác nhau…

Chú trọng xây dựng chính sách mới

Năm 2023, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô xác định rõ mục tiêu, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội. Một trong các giải pháp hàng đầu, đó là tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Theo đó, cùng với việc tiếp tục tham mưu triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, ngành còn tham mưu UBND thành phố xây dựng 27 đề án để thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, ngành sẽ tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. “Ngành cũng tham mưu xây dựng quy định về mức chi chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 5-10-2022 của Bộ Tài chính và các quy định chính sách đặc thù cho một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em cần sự can thiệp khẩn cấp và trẻ em bị tai nạn thương tích nghiêm trọng”, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết thêm.

Tất cả các nhiệm vụ này được triển khai tốt sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chung của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN, vì mục tiêu phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Mai Hoa