Cơm nắm, muối vừng
Xã hội - Ngày đăng : 09:43, 27/03/2007
Có người xa quê lâu ngày không được ăn cơm nắm, bỗng một hôm nghe cô bán dạo rao: “Ai... cơm nắm muối vừng đê...”, thế là phải mua bằng được một nắm rồi ngậm ngùi ngẫm ra rằng: cao sang như yến, nhẹ nhàng chợt đến chợt đi như cốm, hiền lành ngọt ngào như vòng tay của mẹ không gì khác cơm nắm, món ăn bình dân mà suốt đời không quên được. Mỗi người đều có một cách thức nắm cơm khác nhau, nên cơm nắm cũng có nhiều hình dạng, hình tròn, hình dài, ai đó thích là lạ có thể tạo thành hình tam giác. Ngay cả cách gói cũng thật khác nhau, có người thích gói cơm trong chiếc mo cau, có người bảo rằng gói lá chuối cơm thơm hơn cả, ai đó tiện tay gói vớ ngay lấy tờ giấy báo cũng được. Làm cơm nắm không khó, ai cũng có thể làm được, chỉ cần có trong tay bơ gạo tẻ đem vo sạch, thổi thành cơm, khi cơm sôi hạ bớt lửa, ủ chín, cơm vừa chín tới nhúng khăn vải vào nước, cho cơm nóng vào nhồi đều tay thật mạnh để cơm thật nhuyễn, sau đó nắm cơm theo hình dạng mình thích. Thông thường các bà, các chị thường nắm thành hình tròn vừa đẹp mắt vừa tiện cắt ra ăn. Đơn giản vậy thôi nhưng cánh đàn ông khi làm thử thì lắc đầu, kêu khó. Cũng đúng thôi, bởi ít ông bố nào lại tỉ mẩn nắm cơm cho con ăn, trong gia đình mẹ là người khéo tay nhất và không gì sánh được tấm lòng yêu thương của mẹ. Mẹ muốn đứa con mình dù đi đâu cũng mang theo cả cánh đồng lúa, lời căn dặn của mình, cả hồn của quê hương.
Cách ăn cơm nắm của mỗi người cũng thật khác nhau. Có người cẩn thận dùng con dao thật sắc cắt cơm thành từng thỏi nhỏ, vuông đều, rồi bày ra từ từ thưởng thức. Có người dùng tay bẻ ra ăn, và cũng có người cầm cả nắm cơm lên mà cắn miếng thật to. Rồi thức ăn ăn kèm cũng khác, cơm nắm có thể ăn với bất cứ đồ ăn mặn nào như: ruốc bông, giò, chả, lạp sườn... nhưng, người ta bảo cơm nắm ăn với muối vừng là hợp nhất. Vừng chọn những hạt đều mẩy, nhặt hết sạn rồi cho vừng vào chảo rang, đảo đều tay đến khi có hương thơm và vàng là vừa chín tới. Cho tỉ lệ muối thích hợp vào chảo rang khô, cần đảo đều tay và đảo nhanh kẻo muối khét. Đổ vừng và muối vào cối giã mịn, ai ưa béo có thể cho thêm ít lạc giã cùng.
Cuộc sống hiện đại tiệc tùng triền miên với đầy đủ những món sơn hào hải vị, ở đó không có cơm nắm. Cơm nắm không hợp với những bữa tiệc, bữa ăn chính trong mỗi gia đình, các bà mẹ thành phố bận bịu cũng chẳng có thời gian nắm cho con nắm cơm nữa. Có chăng thì là nắm cơm tiện đường mua của cô hàng rong mang về. Vì thế, trong những năm gần đây có rất nhiều gánh hàng rong bán cơm nắm. Mỗi sáng mùa đông cũng như mùa hè, đúng giờ người phụ nữ có dáng người nhỏ bé tên Lệ, bán cơm nắm muối vừng trong phố cổ lại cất tiếng rao cao vút “Ai... cơm nắm muối vừng đê...”. Chiếc mủng được đậy kín, ngăn nắp xếp trên một cái mẹt vừa nhỉnh hơn mủng một chút. Khi có người mua, chị dừng lại mở cái mủng rồi lấy cơm cho khách. Nắm cơm được gói cẩn thận trong lá chuối thơm phức, chị nhẹ nhàng dùng dao cắt thành nhiều miếng nhỏ đẹp mắt, và không bao giờ quên đưa kèm cho khách gói muối vừng. Dưới những tán cây bên đường, chị phải luôn tay mới làm kịp cho khách. Khi chị ngừng tay tôi bèn lại gần bắt chuyện, chị cho biết quê huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, chị theo nghề này dễ được sáu năm, trước đây mẹ chị cũng đội thúng cơm bán dạo. Ngày đó, chị thường theo mẹ đi bán, rồi lớn lên chị cũng làm cơm nắm bán, vừa nói chuyện chị vừa chỉ cho tôi ngôi nhà lớn trên phố Hàng Bông vừa nói “cái ông ở trong ngôi nhà đó ngày nào cũng ra mua cơm nắm đấy cô ạ, những ngày mùa bận quá không nắm cơm qua bán, thể nào ông cũng trách”. Rồi chị lại chép miệng “bây giờ nhiều thức ăn ngon, ít người ăn cơm nắm. Tuy nhiên, cũng còn có những người yêu cơm nắm mà hầu hết khách quen của mình là những người già, người Hà Nội hoài cổ, mà cũng ít lắm chỉ còn vài ba người thôi”. Đôi mắt đen lấp lánh dưới vòm nón lá chị cười tươi chào tôi để kịp đi đưa cơm cho bà cụ phố Hàng Nón. Dáng đi vội vã thoáng chốc đã không thấy đâu chỉ còn vọng lại tiếng rao “Ai... cơm nắm muối vừng đê...”.
Những người dân ở phố Ngô Quyền thường có ý ngóng trông gánh cơm nắm của cô Hiền. Đã hơn 12 năm bán cơm nắm ở đây, ngày nào cứ vào tầm 6 giờ cô lại quang gánh mang cơm từ Phúc Tân vào bán. Khách hàng của cô rất đông và họ ăn đã quen. Quen đến nỗi chưa cần nói hôm nay ăn cơm nắm với gì, cô đã đưa cơm cho họ, và ít ai kiểm tra lại vì cô đã thuộc hết khẩu vị của khách. Có khách chỉ ăn cơm nắm với muối vừng, có người hai ngày ăn cùng muối vừng, một ngày ăn với ruốc... cô đều nhớ hết. Để có gánh cơm nắm mỗi sáng, cô phải thức dậy từ hai giờ sáng nấu cơm, cô thường nấu bằng gạo Dự- loại gạo ngon và rất dẻo. Cô cho rằng, cơm nắm ngon hay không là ở độ thơm, dẻo của gạo, sự sạch sẽ của người làm và vị thơm béo của muối vừng. Trước đây cô thường nắm cơm bằng mo cau và dùng lá chuối để gói, nhưng giờ toàn bê-tông với gạch, chả ai trồng cau, chuối nên mình dùng khăn vải thay mo cau, giấy trắng thay lá chuối gói cơm vừa sạch sẽ vừa không mất vị. Nhờ gánh hàng của cô mà gia đình đã qua được nhiều khó khăn trong cuộc sống và nuôi các con ăn học thành người.
Người bạn chân quê ngày nào giờ đã được sửa sang nhan sắc để đưa lên phố thị, nhưng vẫn giữ cái vẻ trắng trẻo mịn màng như ngày nào, khiến bao nhiêu người ngẩn ngơ khi thiếu. Đưa miếng cơm lên miệng, chợt thấy bóng dáng người mẹ áo nâu, khăn mỏ quạ còm cõi bên gốc cau ngát hương. Ngoài kia cánh đồng lúa đương thì con gái rì rào cho những bông lúa đầu mùa thơm ngát, rồi cả những bông hoa vừng tím biếc.
Bài và ảnh: Hạ Lam