Thành ủy Hà Nội và Hội đồng Lý luận Trung ương ký kết chương trình hợp tác
Chính trị - Ngày đăng : 17:19, 21/02/2023
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, về phía Hội đồng Lý luận Trung ương có Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng: Nguyễn Quang Thuấn, Phạm Văn Linh, Nguyễn Văn Thành, Bùi Nhật Quang, Bùi Trường Giang.
Đại biểu thành phố Hà Nội còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố...
Tiềm năng hợp tác rất lớn
Báo cáo đánh giá do đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội đã triển khai toàn diện cả 6 nội dung ký kết hợp tác. Hai bên đã phối hợp tổ chức 3 tọa đàm khoa học; 4 cuộc khảo sát thực tế kết hợp tọa đàm khoa học tại Thủ đô phục vụ nhiệm vụ tư vấn, tổng kết lý luận và thực tiễn mà Trung ương giao... Đặc biệt, Hội đồng Lý luận Trung ương đã giúp Thành ủy Hà Nội tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố và xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.
Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định, kết quả hợp tác còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên; việc phối hợp trao đổi thông tin tài liệu, ấn phẩm còn chưa đều đặn, kịp thời...
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến nhìn nhận, đối với Hội đồng Lý luận Trung ương, Hà Nội luôn là nơi cung cấp cho các công trình nghiên cứu những chất liệu thực tiễn phong phú, tập trung nhất để phát hiện những vấn đề mới. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, trước khi tham mưu Trung ương hoặc đưa vào thực hiện các chủ trương lớn, quan trọng, Thành ủy Hà Nội đều tổ chức nghiên cứu một cách bài bản, khoa học nhằm bảo đảm cả thực tiễn và lý luận. Trong quá trình đó, thành phố luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ hiệu quả của Hội đồng Lý luận Trung ương.
Hiện nay, Thành ủy Hà Nội và Hội đồng Lý luận Trung ương càng có nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa, qua đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của hai bên. Đại diện Ban Tổ chức Thành ủy, UBND thành phố, Công an thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong... đã đề xuất hàng loạt nội dung hợp tác cụ thể giữa Hội đồng Lý luận Trung ương với các cơ quan, đơn vị thành phố Hà Nội như: Hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện các chủ trương, nhiệm vụ lớn của Thủ đô; tham gia hỗ trợ xây dựng Đề án về công tác bảo đảm an ninh trật tự; phối hợp thực hiện một số chuyên đề như đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, chuẩn bị xây dựng các văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030; nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở lý luận về định hướng phát triển văn hóa, đô thị hóa...
Chọn việc, có kế hoạch, lộ trình hợp tác cụ thể
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trân trọng cảm ơn Hội đồng Lý luận Trung ương thời gian qua đã hợp tác chặt chẽ với thành phố Hà Nội, coi Thủ đô là mẫu số 1 để nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách lớn với Trung ương; cũng như hợp tác, giúp đỡ thành phố trong quá trình xây dựng văn kiện, các chủ trương quan trọng...
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiệm vụ đặt ra đối với thành phố Hà Nội thời gian tới, trước hết là trong nhiệm kỳ 2020-2025, rất nặng nề, nhất là nhiệm vụ cụ thể hóa, thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, trước hết là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là cơ hội để hai bên đẩy mạnh hợp tác.
Trước nhiều nội dung đặt ra, hai bên cần chọn việc có trọng tâm, trọng điểm để hợp tác. Thành ủy Hà Nội mong muốn Hội đồng Lý luận Trung ương tham gia giúp thành phố xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Quy hoạch phát triển Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, giúp thành phố triển khai các chủ trương lớn bảo đảm tính khả thi, vừa phù hợp thực tiễn, vừa bảo đảm khoa học, bài bản, đi vào từng vấn đề cụ thể, những câu hỏi còn bỏ ngỏ, qua đó giải quyết căn cơ các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Đơn cử như dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) thì đâu là cơ chế vượt trội cho Hà Nội bảo đảm khả thi, tạo động lực phát triển cho Hà Nội, lan toả, dẫn dắt Vùng Thủ đô và đất nước. Đó là các vấn đề như di dời các cơ sở trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô, làm sao để thực hiện đúng mục đích, khắc phục những kẽ hở... Hay đối với mục tiêu xây dựng Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại thì ý nghĩa cụ thể của từng thành tố là như thế nào; làm thế nào để lượng hóa từng nội dung, biến thành các phong trào, giải pháp cụ thể để đưa vào thực hiện...
Nhất trí với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, thực chất của hội nghị, nhất là quan điểm đã hợp tác phải thực chất, hiệu quả.
Nhìn nhận thực tiễn Hà Nội luôn là mảnh đất phong phú cho công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những đề xuất trọng tâm của thành phố Hà Nội như về cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, Luật Thủ đô (sửa đổi), quy hoạch lớn... là hoàn toàn chính xác, cần thiết. Ngoài ra, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Trong quá trình đó, phải xác định rõ tinh thần đổi mới tư duy, tầm nhìn. Tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị, việc hợp tác giữa hai bên cần rất cụ thể, chọn vấn đề, có kế hoạch, lộ trình, cách làm cụ thể.
Trên cơ sở thống nhất quan điểm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, hai cơ quan thống nhất cao đi đến ký kết Chương trình hợp tác nhiệm kỳ Đại hội XIII. Chương trình gồm 3 chương, 9 điều, trong đó xác định 6 nội dung, 7 phương thức hợp tác. Từ chương trình này, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể theo từng năm, bảo đảm hợp tác thực chất, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ chính trị của hai bên, giải quyết hiệu quả những yêu cầu từ thực tiễn Thủ đô và đất nước đặt ra.