Một phụ nữ mắc bệnh phong thể nguy hiểm
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:32, 21/02/2023
Hai năm trước, nữ bệnh nhân (ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) bỗng xuất hiện nhiều sẩn cục lan tỏa ở tay, chân và trên cơ thể. Các sẩn cục này không gây ngứa, không làm rối loạn cảm giác hay vận động. Thậm chí, các sẩn cục này còn dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh da khác như nhiễm lao hay Mycobacterium không điển hình, u lympho ở da.
Giữa năm 2022, bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương và bất ngờ được chẩn đoán bệnh phong thể cục u. Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất của bệnh phong.
Các bác sĩ cho biết, bệnh phong tuy không nguy hiểm chết người, nhưng để lại di chứng tàn tật nặng nề, là cội nguồn của kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh.
Trước đây, cùng với bệnh lao, ung thư, xơ gan cổ trướng, bệnh phong không còn là một trong “tứ chứng nan y” mà đã có thuốc điều trị. Từ năm 1983, Việt Nam bắt đầu áp dụng đa hóa trị liệu, tỷ lệ phát hiện bệnh giảm đáng kể, từ 19 trường hợp/100.000 dân vào năm 1982 xuống 0,09 trường hợp/100.000 dân vào năm 2019.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Bệnh viện da liễu Trung ương, trong vài năm trở lại đây, tại bệnh viện này đã ghi nhận hàng chục ca bệnh phong mới với bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý về da khác. Mặt khác, trong quá trình theo dõi và điều trị, có rất nhiều trường hợp xảy ra cơn phản ứng nặng hoặc tình trạng bệnh diễn biến phức tạp. Người bệnh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng nặng nề.
Điển hình như trường hợp của nữ bệnh nhân 46 tuổi nêu trên. Dù được điều trị theo phác đồ, bệnh nhân đáp ứng tốt và được theo dõi thường xuyên, tuy nhiên, 3 tuần nay, tay chân và da nữ bệnh nhân bị tê bì nhiều, tăng nhạy cảm. Thậm chí, bàn tay, bàn chân của bệnh nhân yếu và phù, phù cả mặt, kèm một số tổn thương sẩn cục của bệnh phong cũng hiện rõ. Bệnh nhân được điều trị theo hướng “phản ứng phong” với corticoid liều cao, tổn thương da đỡ nhưng tình trạng phù, tê bì, yếu tay chân không thuyên giảm.
Với trường hợp này, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành về da liễu đã hội chẩn, điều trị và tiếp tục theo dõi để xác định đây là “phản ứng phong” hay chuyển thể phản ứng miễn dịch.