Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán?
Tài chính - Ngày đăng : 06:35, 21/02/2023
Sau năm 2022 giảm hơn 32%, khởi đầu năm 2023 thị trường chứng khoán diễn biến khởi sắc khi tháng 1 chỉ số Vn-Index tăng 10,3%. Theo nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, thị trường diễn biến tích cực khi các chất xúc tác liên tiếp củng cố tâm lý nhà đầu tư. Đó là Trung Quốc có động thái rõ ràng hơn trong việc mở cửa, tín hiệu khởi động tích cực từ các dự án cao tốc Bắc - Nam kích thích dòng tiền vào các nhóm cổ phiếu hưởng lợi.
Ngoài ra, lạm phát ở châu Âu và Mỹ giảm đáng kể, tạo kỳ vọng về một chính sách tiền tệ bớt “diều hâu” (chính sách thắt chặt tiền tệ qua đó kìm hãm lạm phát ở mức thấp) hơn trong thời gian tới. Điều này cũng có nghĩa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có nhiều dư địa để điều tiết chính sách tiền tệ theo hướng ưu tiên ổn định lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.
Mặc dù thị trường ghi nhận sự tích cực về điểm số, thanh khoản vẫn là vấn đề đáng lưu tâm khi giảm đáng kể. Số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong tháng 1-2023, khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 579,96 triệu cổ phiếu và 10.494 tỷ đồng, tương ứng giảm 28% và 25% so với tháng 12-2022. Nguyên nhân có thể là do dòng tiền khối ngoại đã chững lại so với 2 tháng trước đó và hiệu ứng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023.
Đến tháng 2-2023, chỉ số Vn-Index mất mốc 1.100 điểm ngay từ đầu tháng, trong các phiên tiếp theo, có thời điểm thị trường giảm liên tục. Nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, việc chỉ số Vn-Index đã tăng 10,3% trong tháng 1-2023 sẽ làm hạn chế dư địa tăng trong tháng 2-2023. Trên thực tế, phiên giảm mạnh đầu tháng, Vn-Index từ mức 1.111,18 điểm xuống 1.075,97 điểm với thanh khoản cao đã kết thúc xu hướng phục hồi ngắn hạn.
Việc thị trường điều chỉnh là cần thiết để thu hút dòng tiền trong bối cảnh chưa có động lực mới từ các yếu tố cơ bản. Sau khi liên tục giảm, trong tuần từ ngày 13-2 đến 17-2 thị trường đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Một số chuyên gia cho rằng đó chỉ là nhịp hồi, chưa khẳng định xu hướng tăng trở lại.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, với thị trường chứng khoán, lợi nhuận của các doanh nghiệp năm nay ước tính tăng 12,62%. Theo đó, nhìn về thị trường trong cả năm 2023 sẽ có 3 kịch bản cho VN-Index. Kịch bản thứ nhất (có xác suất cao) là chỉ số đạt 1.258 điểm trong năm 2023, tăng 24,9% so với phiên 30-12-2022. Kịch bản thứ hai là chỉ số giảm điểm, dao động quanh ngưỡng 1.000. Kịch bản thứ ba, chỉ số đạt 1.405 điểm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thay đổi kế hoạch điều hành lãi suất cuối năm nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Cũng nhìn về thị trường trong cả năm 2023, tại báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam” vừa được phát hành, Công ty TNHH Chứng khoán Á Châu đưa ra các kịch bản. Với kịch bản cơ sở, chỉ số Vn-Index có thể sẽ giao dịch quanh mức 1.200 điểm vào cuối năm 2023 khi kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và lợi nhuận doanh nghiệp tăng trong khoảng 10-12%; tâm lý thị trường cải thiện hơn so với năm 2022; thị trường tín dụng sẽ bình thường hóa; khó khăn vĩ mô toàn cầu phần lớn sẽ lắng xuống vào cuối năm 2023...
Kịch bản lạc quan dựa vào hoạt động đầu tư công mạnh mẽ trong năm 2023, thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhanh hơn dự kiến và dòng vốn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào mạnh mẽ cũng như các vấn đề tín dụng mà thị trường gặp phải sẽ được giải quyết; nền kinh tế toàn cầu sẽ kiểm soát được lạm phát trong nửa đầu năm 2023 và tâm lý nhà đầu tư sẽ cải thiện nhờ việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu. Theo đó, công ty này dự báo chỉ số Vn-Index tăng lên khoảng 1.500 điểm vào cuối năm 2023. Với kịch bản bi quan, chỉ số Vn-Index gần như đi ngang khi kết thúc năm 2023.
Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt lại thận trọng hơn khi đưa ra dự báo, với kịch bản cơ sở, chỉ số Vn-Index có thể dao động trong khoảng 1.010-1.100 điểm.