Di sản tinh thần của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Sách - Ngày đăng : 20:38, 20/02/2023
Nhắc đến tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người dân nước Việt không chỉ nhớ đến vị “tư lệnh con đường Trường Sơn huyền thoại”, nơi ông đã gắn bó gần 10 năm (1967-1976), mà còn nhớ đến ông trên cương vị “tư lệnh” các ngành Xây dựng, Giao thông Vận tải sau khi đất nước thống nhất.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã cùng hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hiện thực hóa chủ trương của Trung ương Đảng và mong muốn của Bác Hồ: Nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Dưới sự chỉ huy tài tình của vị tướng dạn dày trận mạc Đồng Sỹ Nguyên, Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết, sự khốc liệt của mưa bom bão đạn kẻ thù để duy trì, phát triển tuyến đường vận tải chiến lược, đưa vũ khí, hàng hóa, con người từ miền Bắc vào miền Nam. Năm 1974, ông đã được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Khi đất nước thống nhất, vị tướng ấy lại tiếp tục xông pha trên mặt trận xây dựng, tái thiết đất nước. Ông để lại nhiều dấu ấn đậm nét với những công trình thế kỷ như Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy giấy Bãi Bằng, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Khu gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Hòa Bình hay cầu Chương Dương, cầu Thăng Long…
Những năm sau Đổi mới, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ thực hiện trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, và đặc biệt là tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Khi bắt đầu tiến hành công việc khảo sát tuyến đường, mặc dù lúc đó tuổi đã cao nhưng vị tướng vẫn xắn quần đi bộ, trèo núi băng sông cùng các cán bộ trẻ từ mờ sáng đến tối mịt vì con đường giao thông huyết mạch quốc gia.
Từ mặt trận chiến đấu sang mặt trận kinh tế, ông vẫn luôn thể hiện được bản lĩnh, phẩm chất xông xáo, quyết liệt, dũng cảm, trách nhiệm của một người chỉ huy, dốc hết trí tuệ và công sức đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước.
Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Quân đội nhân dân bày tỏ: “Một con đường huyền thoại gắn với tên tuổi một vị tướng tài ba, dũng cảm; những công trình thế kỷ năm xưa luôn mang bóng dáng của một lãnh đạo ngành sáng tạo, quyết liệt… Tất cả đều là đề tài, chất liệu cho những tác phẩm báo chí, xuất bản, và theo đó rất nhiều bộ phim, cuốn sách, bài viết về ông đã liên tục ra đời trong những năm qua. Sau gần một năm tổ chức sưu tầm tư liệu, biên soạn, biên tập xuất bản, bộ 3 cuốn sách đã được NXB Quân đội nhân dân hoàn thành với nội dung được thực hiện công phu, chặt chẽ, khoa học, hình thức đẹp”.
Bộ sách gồm 3 tác phẩm: Hồi ký “Trọn một con đường”, sách “Đồng Sỹ Nguyên - Tuyển tập”, và sách ảnh “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn”. Buổi giới thiệu ra mắt bộ sách của NXB Quân đội nhân dân cũng là sự kiện mở đầu trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023).
Cuốn hồi ký “Trọn một con đường” dày 680 trang, được tái bản có đính chính một vài chi tiết về gia đình.
Cuốn sách “Đồng Sỹ Nguyên - Tuyển tập” dày 600 trang, tập hợp 50 tác phẩm tiêu biểu được tuyển chọn từ các bài nói, bài viết đã được công bố trên các sách, báo, tạp chí, kỷ yếu khoa học… của Trung tướng.
Cuốn sách ảnh “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn” dày 204 trang, được chọn lọc từ nhiều những bức ảnh do gia đình, bè bạn, cơ quan, đơn vị lưu giữ nhằm tái hiện những hoạt động nổi bật trong chín mươi sáu năm cuộc đời ông.
Mỗi trang sách như một thước phim ngắn về một lát cắt của cuộc đời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. “Có thể nói, ba cuốn sách này là di sản tinh thần để lại của ba chúng tôi và cũng là kết quả làm việc rất tâm huyết, công phu và khoa học của các cán bộ NXB Quân đội nhân dân. Bộ sách vừa có tính tư liệu lịch sử, tính khoa học quân sự, vừa đầy tính nhân văn và có giá trị giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng với thế hệ trẻ hôm nay”, ông Nguyễn Sỹ Hưng, con trai cả của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chia sẻ.