"Vướng" từ cái nhỏ nhất

Chính trị - Ngày đăng : 08:24, 19/03/2007

(HNM) - Mới được áp dụng trong đời sống chưa lâu, Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ và hướng dẫn giải quyết. Đáng lưu ý, những vướng mắc này nảy sinh từ những quy định nhỏ nhất, mà đôi khi chỉ là những điều bất cập không đáng có xung quanh các biểu mẫu đăng ký hộ tịch...

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai).
Ảnh: Trung Kiên

(HNM) - Mới được áp dụng trong đời sống chưa lâu, Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ và hướng dẫn giải quyết. Đáng lưu ý, những vướng mắc này nảy sinh từ những quy định nhỏ nhất, mà đôi khi chỉ là những điều bất cập không đáng có xung quanh các biểu mẫu đăng ký hộ tịch...

Cấp cơ sở lúng túng

Một trong những vấn đề bức xúc được cán bộ tư pháp quận, huyện thường xuyên đề cập lên Sở Tư pháp để tham khảo ý kiến là nội dung NĐ 158 quy định về việc công dân có thể cam đoan về lời khai của mình. Đa số ý kiến cho rằng, nếu người cam đoan không trung thực, cố tình lợi dụng sự “thông thoáng” của NĐ thì hậu quả sẽ khôn lường. Ông Cao Văn Quý (Trưởng phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng) quả quyết: “Chúng tôi sẵn sàng để cho công dân cam đoan, nhưng phải có hoạt động nối mạng toàn bộ của “Chính phủ điện tử” để xác nhận ngay trên hệ thống cho các nơi khác cũng có thông tin tra cứu, tránh việc một người tự cam đoan để thực hiện thủ tục hộ tịch ở nhiều nơi. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có Luật Tuyên thệ, cũng chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ vào những trường hợp người dân tự cam đoan. Trong khi đó, quản lý việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ được thực hiện bằng hệ thống sổ sách nên dễ gặp rủi ro. Bởi vậy, cần đề nghị Bộ Tư pháp quy định thống nhất bằng văn bản nội dung ghi xác nhận tình trạng hôn nhân trong tờ khai đăng ký kết hôn và Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”.

Cùng chung quan điểm này, đại diện UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) cho biết, tại phường đã từng có trường hợp một công dân đến xin xác nhận tình trạng hôn nhân. Trước đó, người này đã từng sống ở 3 địa phương khác nhau. Vì thế, phường chỉ xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian phường quản lý hộ khẩu và yêu cầu đương sự về 3 địa phương trước đây để xin xác nhận bổ sung. Thế nhưng, công dân này lại cho rằng việc đi xin xác nhận đó không phải là việc của họ. Đề nghị công dân cam đoan, họ cũng từ chối. Và như vậy, dù rất muốn giúp, nhưng cán bộ tư pháp của phường cũng đành... bó tay.

Lại có chuyện cười ra nước mắt khi cán bộ tư pháp huyện Từ Liêm tiếp công dân đến xin làm thủ tục thay đổi, cải chính, xác định lại dân tộc, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch. Công dân này xuất trình bản chính giấy khai sinh nhưng do quá... cẩn thận nên họ đã đem ép plastic. Vì vậy, khi làm thủ tục bổ sung hộ tịch (theo quy định tại Điều 38, 39, khoản 3 của NĐ 158) thì không thể ghi vào mặt sau của bản giấy khai sinh đã được ép plastic đó. Đến lúc tìm lại thấy mất sổ gốc lưu nên cán bộ tư pháp không có cơ sở để cấp lại bản chính giấy khai sinh.

Biểu mẫu - nhiều chuyện cần bàn

“Khổ giấy của biểu mẫu mới quá hẹp!”, bà Nguyễn Thị Đức Hạnh (Trưởng phòng Tư pháp quận Cầu Giấy) góp ý. Theo bà Hạnh, với khổ giấy “khiêm tốn” này, người khai đăng ký khai sinh khá vất vả. Còn cán bộ khi thừa ủy quyền để ký đóng dấu thì lại thiếu... “đất”. Chỉ riêng yêu cầu dấu phải đóng trùm lên 1/3 chữ ký cũng khó bảo đảm. Ngay như trong bản đăng ký kết hôn, phần khai của nam-nữ quá nhỏ, không bảo đảm việc viết đầy đủ các thông tin cần thiết. Đối với những trường hợp xác nhận tình trạng hôn nhân cần nêu căn cứ, chứng cứ (như: quyết định của Tòa án, giấy chứng tử...) thì UBND không biết phải ghi vào đâu.

Xung quanh chuyện sử dụng con dấu nào để “đóng”, cấp cơ sở cũng lúng túng không kém. Theo bà Hạnh, tại Điều 38,39, khoản 3 của NĐ 158 có nêu: “Cán bộ tư pháp hộ tịch đóng dấu vào phần đã ghi bổ sung, điều chỉnh”. Vấn đề đặt ra là nếu thủ tục bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch thực hiện tại UBND cơ sở thì có được hiểu đương nhiên là dấu của UBND cơ sở? - Làm sao cán bộ hộ tịch có thể sử dụng dấu của UBND? Đối với UBND cấp huyện, đóng con dấu của UBND hay đóng dấu của Phòng Tư pháp. Nội dung này đem hỏi Bộ Tư pháp, Bộ cũng “lắc đầu”, để... nghiên cứu, xem xét sau (!).

Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi NĐ 158, các cán bộ tư pháp cơ sở cũng nhận thấy biểu mẫu mới đã lược bỏ không ít những dữ liệu cần thiết. Ông Nguyễn Văn Thanh (cán bộ tư pháp phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, trong giấy khai sinh mới, phần khai của cha, mẹ không có năm sinh, nơi thường trú/tạm trú của cha mẹ (lược bỏ so với giấy khai sinh cũ). Điều này sẽ khiến tỷ lệ trùng hợp về tên cha, mẹ ngày càng cao, ảnh hưởng tới những quan hệ dân sự phát sinh sau này. NĐ 158 cũng không quy định rõ ghi quê quán của trẻ theo quê của cha hay mẹ nên dễ dẫn đến việc khai tùy ý, mỗi lúc một kiểu.

Thế nên, để tiện cho việc quản lý dữ liệu hộ tịch chặt chẽ, tránh khiếu nại về sau, trong cuốn sổ lưu giữ số liệu hộ tịch của phường, ông Thanh vẫn phải tự ghi thêm đầy đủ các thông tin khác của công dân (như: năm sinh, nơi thường trú, quê quán...), mặc dù trong một số biểu mẫu mới không yêu cầu khai!

KIM ANH

ANHTHU