Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59: Chưa tạo ra bước ngoặt
Thế giới - Ngày đăng : 07:25, 20/02/2023
Diễn ra dưới sự chủ trì của Đại sứ Christoph Heusgen - Chủ tịch MSC, hội nghị năm nay thu hút sự tham dự của 850 đại biểu đến từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nổi bật là Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị... Về phía Mỹ, mặc dù Tổng thống Joe Biden không tham dự, nhưng Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến Munich cùng số lượng thành viên tháp tùng lớn nhất trong lịch sử.
MSC 2023 là hội nghị đầu tiên trong 2 thập kỷ không mời Nga. Tại MSC năm ngoái, các quan chức xứ Bạch dương dù được mời nhưng không có mặt. Theo các nhà quan sát, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine còn tiếp diễn, không lạ khi giới chức phương Tây cố ý nêu bật sự đoàn kết và hậu thuẫn dành cho Ukraine tại hội nghị lần này. Thực tế, ngay trước thềm sự kiện, ban tổ chức hội nghị đã công bố báo cáo thường niên dài 176 trang, trong đó tập trung nói đến cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời nhận định xung đột ở Ukraine là “mối đe dọa tức thì” đối với châu Âu.
Sự ủng hộ đối với Kiev còn thể hiện qua việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa có cơ hội phát biểu trước toàn hội nghị qua cầu truyền hình, trong đó tiếp tục kêu gọi các đồng minh phương Tây nhanh chóng gửi thêm vũ khí, nhấn mạnh sự hòa hoãn và chậm trễ sẽ đe dọa an ninh chung của nhiều quốc gia. Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khuyến khích các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine; trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có những lời lẽ chỉ trích hết sức cứng rắn đối với Nga.
Bên cạnh vấn đề nóng Ukraine, MSC lần thứ 59 cũng chứng kiến các tranh luận kéo dài về mức độ đầu tư mà châu Âu nên dành cho năng lực quân sự của mình, bao gồm cả sự phụ thuộc vào Mỹ và các chi tiêu quốc phòng. Các bên cũng trao đổi về những thách thức an ninh phi truyền thống, như bảo đảm nguồn cung năng lượng, giá lương thực, cùng một số vấn đề quốc tế lớn khác như quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc. Riêng với Liên minh châu Âu (EU), vấn đề tự chủ quốc phòng là một tâm điểm thảo luận, trong đó các nhà lãnh đạo nhận định diễn biến tại Ukraine đã cho thấy Lục địa già cần “tuyệt đối làm chủ không phận và phải tự chủ về mặt chủ quyền”. Trong một diễn biến khác tại hội nghị, Mỹ và Trung Quốc đã chỉ trích nhau mạnh mẽ về sự cố bắn hạ khinh khí cầu gần đây, nhưng cơ bản không dẫn đến những phản ứng tiêu cực.
Nhìn chung, những chủ đề thảo luận trong MSC 2023 nhận được sự quan tâm, trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine chưa có lối thoát. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các đối thoại chưa tạo ra đột phá. Một nguyên nhân là thời gian qua, các nước cũng đã có quá nhiều cuộc họp bàn ở tất cả các cấp độ, như Hội nghị Thượng đỉnh EU hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO… Bên cạnh đó, sự vắng mặt của các đại diện “một bên” khiến các thảo luận tại MSC 2023 rơi vào thế một chiều, khó đưa ra những biện pháp thực sự giúp tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine hay góp phần giải quyết những thách thức phát sinh từ sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc.
Như vậy, MSC 2023 chưa có được những đối thoại thẳng thắn, cũng như chưa tạo ra bước ngoặt cần thiết trong giải quyết các vấn đề nêu ra. Song, không thể phủ nhận rằng, diễn đàn lần này cũng đã thành công trong việc giữ được truyền thống, khi tiếp tục là dịp gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ quan điểm của các nhà lãnh đạo thế giới.