Cuộc sát hạch của ý chí và niềm tin
Kinh tế - Ngày đăng : 06:13, 20/02/2023
Bài 1: Khâu "trọng điểm của trọng điểm”
Đối với bất kỳ dự án đầu tư, xây dựng nào ở nước ta, giải phóng mặt bằng luôn là khâu đầu tiên, trọng điểm nhất. Với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đường Vành đai 4), giải phóng mặt bằng còn là khâu “trọng điểm của trọng điểm”.
“Giải phóng mặt bằng không đạt thì không làm được gì“
Tại huyện Đan Phượng, thôn Bồng Lai của xã Hồng Hà nằm ngay dưới cầu Hồng Hà (theo quy hoạch) có 150 hộ dân có đất ở thuộc diện di dời để phục vụ dự án đường Vành đai 4. Gia đình ông Nguyễn Văn Canh (80 tuổi) dù đã sinh sống 7 đời trên mảnh đất 814m2 tại ngách 9, cụm 1, thôn Bồng Lai, nhưng đã sẵn tinh thần về nơi ở mới để nhường đất cho dự án. “Không chỉ nhà tôi, bà con xung quanh cũng rất phấn khởi, đồng tình với chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 của Đảng, Nhà nước. Chỉ mong chính sách tái định cư, đền bù thỏa đáng để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, ông Canh chia sẻ.
Cách điểm mốc tim đường Vành đai 4 khu vực nút giao với Đại lộ Thăng Long vài trăm mét, ông Ngô Huy Tam, bà Nguyễn Thị Dần cùng nhiều bà con ở thôn 6 (xã Song Phương, huyện Hoài Đức) đang kiểm tra khu ruộng nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Những gốc đào già, những cây ổi đương thì đã sẵn sàng được đánh chuyển đi nơi khác để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Ông Tam cho biết, ngoài phần đất nông nghiệp, anh em trong họ hàng cũng đã chủ động di dời ngôi mộ tổ từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, dù chưa nhận được tiền hỗ trợ ngay.
Sự ủng hộ của người dân xuất phát từ sự cần thiết của dự án đường Vành đai 4. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và khu vực ngoại thành; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, liên tuyến. Tuyến đường còn tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, dự án đường Vành đai 4 thể hiện tầm nhìn chiến lược và là lời giải cho quá trình tăng trưởng và phát triển đô thị của Thủ đô... Trong khi đó, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường khẳng định, đường Vành đai 4 như là một lối thoát cho ùn tắc giao thông của Hà Nội… Còn Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: “Đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết những vấn đề của Hà Nội, mà còn tạo ra tính chất liên kết vùng, các tỉnh trong Vùng Thủ đô; giúp Hà Nội không chỉ là cực phát triển mà còn là cực phát triển lan tỏa”.
Đến thời điểm này, sau hơn 7 tháng kể từ ngày Quốc hội thông qua chủ trương, Hà Nội đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng với diện tích 236,26ha. Diện tích đất đã bàn giao mặt bằng là 213,02ha (đạt 26,69% tổng mặt bằng của dự án Vành đai 4).
Các quận, huyện đã kiểm đếm 8.958/11.687 ngôi mộ; di chuyển và hoàn thành chi trả tiền đối với 5.218 ngôi (đạt 44,65%). Tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng tuyến đường Vành đai 4 cũng đều được phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, khối lượng công tác giải phóng mặt bằng còn lớn cơ bản vẫn ở phía trước. Mục tiêu đặt ra từ nay đến ngày 30-6-2023, thời gian không dài, các địa phương phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng của dự án.
Do đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố Hà Nội và các bộ, ngành trung ương phải tranh thủ sự ủng hộ của người dân, làm ngày làm đêm để giải phóng mặt bằng. “Khi có mặt bằng thì dù thời gian thi công có gấp, chúng ta tập trung tổ chức “3 ca, 4 kíp”, tiến độ vẫn có thể hoàn thành. Nhưng giải phóng mặt bằng không đạt yêu cầu thì không làm gì được”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Dự án của những điều đầu tiên
Dự án Vành đai 4 có lẽ là dự án của những điều đầu tiên. Không chỉ là dự án đầu tiên thuộc diện trọng điểm quốc gia, là nhiệm vụ của Trung ương nhưng được giao cho thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư; cũng là dự án gần như đầu tiên 3 địa phương cùng thực hiện, nhưng giao cho lãnh đạo thành phố Hà Nội làm Trưởng ban chỉ đạo. Thời gian từ khi khởi sự cho đến khi được Quốc hội thông qua chủ trương là một kỷ lục với chỉ khoảng 1 năm. Những điều này đã phản ánh phần nào tinh thần nêu gương, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm của Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành và từng quận, huyện liên quan phải xác định rõ, triển khai dự án đường Vành đai 4 là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm” và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tập trung thực hiện với phương châm không bàn lùi, chỉ bàn tiến.
Đây cũng là lần đầu tiên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành chỉ thị riêng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư một dự án (Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13-9-2022). “Phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án...”, chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ.
Từ ý chí, quyết tâm đi thẳng đến hành động một cách quyết liệt cũng chưa có tiền lệ. Trực tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án đường Vành đai 4 của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án trên địa bàn Hà Nội. Dịp đầu năm mới Quý Mão, trong vòng chưa đầy 20 ngày, trực tiếp Bí thư Thành ủy đã đi kiểm tra thực địa tại 5 quận, huyện với 9 địa điểm; gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của hàng chục người dân thuộc diện có đất giải phóng mặt bằng... Trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão, đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đã dành một ngày kiểm tra, làm việc với 6 huyện về công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời đi kiểm tra thực địa và làm việc với 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Các ban Đảng Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng vào cuộc với khí thế chưa từng có. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tổ chức giao ban với các bí thư cấp ủy và ủy ban kiểm tra của 7 quận, huyện. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát ở các quận, huyện đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 phải vào cuộc ngay từ đầu, song hành, vừa kịp thời khen thưởng, vừa chấn chỉnh, phòng ngừa sai phạm. Để xảy ra sai sót mà không tự kiểm tra ra được thì bí thư cấp ủy, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo đồng loạt tăng cường tuyên truyền về nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 nhằm xây dựng niềm tin, tinh thần đồng thuận vì sự phát triển chung. Ban Dân vận Thành ủy giao ban với các quận, huyện về vận động nhân dân, họp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hưng Yên bàn công tác phối hợp thực hiện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức giao ban, ban hành Thông tri “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội”...
Ở 7 quận, huyện, không khí ra quân triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng khẩn trương ngay từ đầu năm. Trực tiếp Bí thư Quận ủy, Huyện ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo chung và đối với công tác giải phóng mặt bằng. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mê Linh Lê Sỹ Cường cho biết, để đạt được sự đồng thuận, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đã tổ chức hơn 40 cuộc đối thoại với người dân các địa phương; đưa người dân ra thực địa để phân tích các vấn đề liên quan, từ đó đi đến đồng thuận.
Quả thực, chưa từng thấy dự án nào mà sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm lớn như vậy. Dù mới là sự khởi đầu, song những biện pháp mà Hà Nội triển khai đem lại nhiều bài học quý để hướng tới hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch của dự án đường Vành đai 4.
(Còn nữa)