''Trẻ hóa'' bệnh đái tháo đường
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:07, 19/02/2023
Bệnh tiểu đường ở trẻ em
Tiểu đường, hay còn gọi là đái tháo đường, là một bệnh về nội tiết tố. Khi bị tiểu đường, quá trình chuyển hóa chất đường trong máu sẽ bị rối loạn khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận, huyết áp và các bệnh lý về tim mạch, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.
Đái tháo đường type 1, hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin. Bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin - giúp cơ thể sử dụng đường từ máu để tạo năng lượng.
Với đái tháo đường type 2, vấn đề chính là sự đề kháng insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra insulin, thường với số lượng lớn, nhưng insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của insulin. Với đái tháo đường type 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin.
Ngoài hai type đái tháo đường phổ biến trên, ở trẻ em còn có thể gặp các bệnh lý như đái tháo đường sơ sinh (trẻ dưới 1 tuổi), đái tháo đường khởi phát ở người trẻ tuổi (MODY), hoặc đái tháo đường đi kèm với các tình trạng bệnh lý khác gây tổn thương tuyến tụy (đái tháo đường thứ phát).
Cảnh giác với những biểu hiện
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã khám, điều trị cho trường hợp bé gái 8 tuổi mắc đái tháo đường type 1. Trẻ có dấu hiệu ban đầu rất phổ biến ở người mắc đái tháo đường như khát nước, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương để kiểm tra, phát hiện đường huyết tăng cao 26,1 mmol/l - cao gấp nhiều lần so với người bình thường - kèm theo dấu hiệu mất nước. Sau khi vào viện và được làm các xét nghiệm, chẩn đoán được xác định và bé đã được điều trị tích cực, bù dịch, kiểm soát đường huyết bằng insulin, tư vấn và điều chỉnh thực hiện chế độ dinh dưỡng.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đái tháo đường type 1 ở trẻ em đã được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn (khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết: "Nhiều người thường cho rằng, đái tháo đường là căn bệnh của người già. Nhưng trên thực tế, đái tháo đường type 1 có thể khởi phát cả ở trẻ chỉ từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10 - 14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5 - 10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân gây ra đái tháo đường type ở 95% trường hợp là cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân”.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, trước đây, nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
Do vậy, khi thấy xuất hiện các triệu chứng như khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm... mà trước đây trẻ chưa bị; hoặc kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1 như đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín...) thì phụ huynh cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
"Hiện nay, có rất nhiều người nhầm tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi, và tin vào một số nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Tôi xin khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1. Khi có các biểu hiện như đã nêu trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến thăm khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhỏ. Đồng thời, việc thăm khám định kỳ đối với trẻ bị đái tháo đường type 1 là rất quan trọng, giúp theo dõi và điều chỉnh phác đồ điều trị " - bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định.
Để phòng bệnh lý tiểu đường ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, bổ sung năng lượng cho trẻ hợp lý, hạn chế đồ ngọt, đồ ăn nhanh, tránh tình trạng thừa cân, béo phì...