Tăng cường năng lực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:00, 19/02/2023
Theo Bộ Y tế, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn những hạn chế, yếu kém.
Cụ thể, chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn chênh lệch giữa các tuyến, vùng, miền; chưa thực hiện được chăm sóc toàn diện người bệnh. Quản lý sức khỏe người dân chưa được thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Tại một số bệnh viện trung ương, thành phố lớn vẫn còn tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, một số dịch bệnh lưu hành, kể cả có thể dự phòng bằng vắc xin như sởi, bạch hầu... chưa được kiểm soát hoàn toàn. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn thấp, nhất là các nhóm dân di cư.
Mặt khác, công tác phòng, chống, quản lý các bệnh không lây nhiễm còn có những hạn chế. Truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe còn chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp.
Thêm vào đó, phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến, chất lượng còn yếu ở tuyến y tế cơ sở; đào tạo nhân lực, cấp phép hành nghề chưa tiếp cận theo chuẩn mực quốc tế. Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.
Bộ Y tế cũng cho rằng, công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa phát triển đáp ứng yêu cầu, phụ thuộc vào nguyên liệu ở nước ngoài. Quản lý giá, mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc ở một vài nơi còn chưa chặt chẽ. Bán thuốc không theo kê đơn còn phổ biến.
Tại Quyết định 788, Bộ Y tế đặt ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó, tập trung tăng cường năng lực chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Cùng với đó, từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, sức khỏe lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, phòng, chống tai nạn thương tích, an toàn thực phẩm, lối sống và hành vi, nâng cao sức khỏe người dân, phòng, chống và quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.
Đặc biệt, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế. Tăng tỷ trọng chi tiêu công cho y tế, 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe.
Bộ Y tế cũng yêu cầu, đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến; thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm; tăng cường đào tạo, luân phiên hai chiều cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ; xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.
Cùng với đó, củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng, thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, nhất là ở các “vùng lõm” tiêm chủng. Tăng số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách. Đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh ký sinh trùng.
Cũng tại kế hoạch này, Bộ Y tế đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2025, đó là tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giảm 20% so với năm 2015; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên sử dụng rượu, bia tới mức nguy hại giảm 20% so với năm 2015. Cùng với đó, 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 50% các cơ sở lao động có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được quản lý…