Bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 19/02/2023
Tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Trần Mạnh Hùng, Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam nêu quan điểm, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang đưa ra hai hướng quy định đều chưa hợp lý.
Cụ thể, thuật ngữ "người tiêu dùng" đang có phạm vi quá rộng và có thể bao gồm cá nhân có hoạt động mua, sử dụng hàng hóa, hoặc dịch vụ ở bất cứ đâu trên thế giới chứ không chỉ giới hạn ở đối tượng là người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới đều có đạo luật riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Hơn nữa, việc Việt Nam áp dụng luật này với người tiêu dùng ở các quốc gia khác là không thể về khía cạnh thực thi.
“Để hoàn thiện quy định về định nghĩa người tiêu dùng, cần bổ sung cụm từ "tại Việt Nam" hoặc "trên lãnh thổ Việt Nam" vào sau cụm từ "Người tiêu dùng là cá nhân" tại Khoản 1 Điều 3 của dự thảo luật”, ông Trần Mạnh Hùng kiến nghị.
Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người yếu thế, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (Quốc hội) Quàng Văn Hương nhấn mạnh, người yếu thế có thể rất dễ bị tổn thương nếu như quyền lợi của họ không được bảo đảm hoặc không được quan tâm khi mua bán sản phẩm, hàng hóa. Do đó, trong dự án luật cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế như: Người tàn tật, người nghèo...
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế được hiệu quả hơn, trong dự án luật cần quy định rõ các tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, đề cập đến quy định về vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần xem xét chỉ nên quy định người tiêu dùng yêu cầu một trong hai tổ chức là cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ, trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời trong thời hạn quy định hoặc tổ chức được yêu cầu không tham gia hỗ trợ khi đã hết thời hạn quy định.
Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp, theo Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam Tạ Dịu Thương, mối quan hệ bán hàng của cá nhân bán hàng đa cấp cho người tiêu dùng có liên quan tới hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Do đó, doanh nghiệp sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình được người tham gia bán hàng đa cấp bán cho người tiêu dùng. Trách nhiệm sản phẩm được quy định tại các pháp luật liên quan như: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp cũng đã được quy định tại Khoản 2, Điều 33 của dự thảo luật.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án luật, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là văn bản có liên quan tới nhiều chủ thể, có phạm vi tác động rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, vì vậy, các ý kiến tham gia đóng góp, hoàn thiện dự thảo luật là dữ liệu quan trọng, góp phần giúp các cơ quan liên quan có cái nhìn sâu rộng, đa dạng hơn đối với các vấn đề được quy định trong dự thảo.
"Những ý kiến, đề xuất của dự án luật sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa, làm rõ hơn để trình Quốc hội cho ý kiến, đóng góp tại kỳ họp thứ năm tới nhằm bảo đảm tốt hơn lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.