Cấp thiết xây dựng, nâng cấp công trình lấy nước
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:07, 19/02/2023
Tiếp tục đối mặt với khó khăn
Tính đến 7h ngày 18-2, các tổ chức thủy lợi thành phố Hà Nội đã cấp đủ nước cho 77.805ha, đạt 96% diện tích gieo cấy lúa xuân 2023. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo các tổ chức thủy lợi thành phố khẳng định sẽ cấp đủ nước cho nông dân gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất (từ nay đến ngày 28-2). Tuy nhiên, các tổ chức thủy lợi tiếp tục đối mặt với khó khăn về nguồn nước trong giai đoạn tưới dưỡng.
Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết, với các đợt điều tiết nước hồ thủy điện vừa qua, Trạm bơm Trung Hà không thể vận hành do mực nước sông Đà thường xuyên ở mức dưới cao trình cống lấy nước. Còn Trạm bơm dã chiến Sơn Đà làm nhiệm vụ thay thế công trình cố định cũng chỉ vận hành trong những đợt điều tiết hồ thủy điện. Để cấp đủ nước gieo cấy lúa trong khung thời vụ, xí nghiệp đã phải điều tiết nước hồ Suối Hai thay thế nhiệm vụ tưới của Trạm bơm Trung Hà. Hiện tại, hồ Suối Hai chỉ còn 52% dung tích thiết kế, có thể chỉ đáp ứng được 2-3 đợt tưới dưỡng lúa xuân.
Tương tự, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã phải điều tiết nguồn nước hồ thủy lợi để phục vụ nông dân địa phương gieo cấy lúa trong khung thời vụ thay thế hoặc bổ sung nhiệm vụ tưới của nhiều trạm bơm.
Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, tính đến ngày 17-2, 13 hồ thủy lợi lớn trên địa bàn thành phố chỉ còn 55% dung tích trữ thiết kế. Trong đó, mực nước nhiều hồ đã xuống ở mức rất thấp như: Kèo Cà (huyện Sóc Sơn) còn 30% dung tích, Quan Sơn (huyện Mỹ Đức) còn 32%, Đồng Mô (thị xã Sơn Tây) còn 56%... Theo tính toán của các doanh nghiệp thủy lợi, nếu từ nay đến tháng 5-2023 không xuất hiện các trận mưa lớn thì 8.957ha lúa xuân của các huyện: Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn... có khả năng bị thiếu nước tưới dưỡng.
Trong khi đó, Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ dự báo, tổng lượng mưa trên địa bàn thành phố trong 3 tháng tới ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm nhưng phân bố không đồng đều về diện và lượng. Bên cạnh đó, mực nước cao nhất trên sông Hồng tại Trạm thủy văn Sơn Tây, từ nay đến ngày 31-3 chỉ đạt 2,2m (thấp hơn mực nước thiết kế lấy nước của Trạm bơm dã chiến Phù Sa khoảng 0,3m). Còn trên sông Đà, tại Trạm thủy văn Trung Hà, mực nước cao nhất chỉ đạt 4,7m (thấp hơn cao trình cống lấy nước của Trạm bơm Trung Hà 3,3m)...
Cần cải tạo, nâng cấp nhiều công trình
Để bảo đảm đủ nước tưới dưỡng lúa xuân 2023, giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết của hồ thủy điện trong những vụ xuân tới, các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi thành phố đề nghị các cấp, các ngành khẩn cấp đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình thay thế nhiệm vụ tưới của các trạm bơm: Trung Hà, Sơn Đà (huyện Ba Vì), Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Ấp Bắc (huyện Đông Anh); cải tạo, nâng cấp các trạm bơm Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), cống lấy nước Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm)...
Liên quan việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị ngành Nông nghiệp phải chủ động và có tầm nhìn dài hơn trong đề xuất giải pháp thích ứng với thiếu hụt nguồn nước, nhất là cải tạo, nâng cấp, xây dựng công trình lấy nước... Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội thống nhất về chủ trương lắp đặt Trạm bơm dã chiến Trung Hà; thay thế các máy bơm hư hỏng, không bảo đảm vận hành Trạm bơm dã chiến Bá Giang; nạo vét các vị trí bồi lắng trên trục sông Nhuệ để phục vụ sản xuất vụ xuân 2023 và các năm tiếp theo...
Đối với Trạm bơm Phù Sa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, bộ đã chỉ đạo đại diện chủ đầu tư trong tháng 6 tới đây phải khởi công công trình...
Về nhiệm vụ cấp nước tưới dưỡng lúa xuân, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi lắp đặt trạm bơm dã chiến lấy nước các sông: Hồng, Đà, Đáy, Đuống ở mực nước thấp. Đối với vùng thuộc nhiệm vụ phục vụ của hồ thủy lợi, các doanh nghiệp lắp đặt máy bơm hút vét lượng nước còn lại của các hồ để cấp cho diện tích lúa xuân... Các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân gia cố bờ vùng, bờ thửa, sử dụng nước tiết kiệm...
Với sự chỉ đạo từ sớm và những giải pháp cụ thể, các cơ quan chức năng đang nỗ lực bảo đảm đủ nguồn nước cho vụ lúa xuân 2023. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên nguồn nước ngày càng khan hiếm, việc chuyển dần tư duy từ ứng phó sang chủ động thích ứng bằng các giải pháp căn cơ như: Nâng cấp hệ thống thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng phương pháp tưới tiên tiến..., cũng cần được các ngành, địa phương tính đến từ thời điểm này.