Đào nương trên quê hương đất Tổ
Xã hội - Ngày đăng : 09:01, 05/03/2007
Trở lại thôn Trinh Nữ (xã Bình Bộ - huyện Phù Ninh - Phú Thọ), chúng tôi gặp đào nương Phạm Thị Bang, năm nay vừa tròn 87 tuổi. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống ca hát, cụ Bang thuộc thế hệ thứ tư theo hát ca trù, môn hát mà người xưa thường gọi là hát ả đào, hát cửa đình hay hát nhà trò.
Cụ Bang theo cha mẹ đi hát từ nhỏ và được truyền dạy nghề hát từ rất sớm. Cha cụ là Phạm Văn Bân, một người nổi tiếng về đàn đáy và đánh trống chầu thì thuộc loại giỏi nhất vùng. Mẹ cụ Bang là Lưu Thị Hoan, cũng được liệt vào số ca nương tiếng tăm một thuở. Trong nhà, ngoài cụ Bang còn có ba cô con gái cũng thuộc dạng “sắc nước hương trời” và đều theo nghiệp ca hát.
Lần theo ký ức, cụ Bang kể cho chúng tôi nghe về một thời xuân sắc, cái thời mà cụ đi hát khắp vùng trong tỉnh, lại về cả những Hà Nội, Hải Phòng, hát ở những “cung to, phủ lớn” quan triều, nơi người ta thường mở tiệc, lễ hội, đình đám, cưới hỏi linh đình. Tiếng hát cụ Bang đã làm say đắm biết bao tao nhân, mặc khách, hiền nhân quân tử và cũng từ những buổi hát ấy đã nảy sinh mối lương duyên mà đào nương mong đợi. Nhưng dường như duyên phận với cụ là điều không may mắn. Một đào nương đoan trang, hiền dịu như Phạm Thị Bang đã phải về làm lẽ trong một gia đình quyền quý, rồi phải bỏ hát dù “Thèm câu hát ngay cả trong giấc mơ”. Cụ Bang kể, nhiều lúc cụ nhớ nghề hát nao lòng, và ngay cả lúc sinh con, những lễ giáo hà khắc cũng ngăn cản cụ ru con thơ bằng những vần điệu quen thuộc đã ngấm vào máu thịt. Những lận đận tình duyên, sự khắc khoải với nghề hát đã khiến cụ Bang, dù là đắm say giỏi giang với hát ả đào, đã nhất quyết không truyền dạy cho con cháu cái nghề hát “đa đoan và bạc bẽo”. Trong cái không gian như chợt lắng đọng một đoạn trường nặng nhọc, cụ Bang bỗng ngân nga một câu hát như tỏ lòng mình: “Một là duyên, hai là nợ, ba là tình. Cớ làm sao con chim nó lẩn quất mãi bên mình. Suốt cả năm canh, ả phiền là bạn, mấy ả phiền...”.
Câu hát bất chợt như đã làm thức dậy một đào nương nức tiếng thuở nào. Cụ ngồi hát say sưa. Những hát miễu, hát nói, gửi thơ; nào Tri kỷ như ai, Hồng hồng tuyết tuyết, Hồ mã bắc phương... Cứ như thể không còn những đoạn trường đắng cay thăng trầm khổ ải. Tiếng hát của đào nương Phạm Thị Bang ngày nào trở lại khiến ngay cả con cháu cụ cũng ngỡ ngàng. Giọng ca đã không còn vang rền nền nảy nhưng khi nghe lão bà luyến láy không thể chê, những người có mặt đã phải ví cụ là “Quách Thị Hồ của Phú Thọ”.
Cái mạch cảm xúc lâu lắm mới trở lại khiến cụ Bang vui vẻ và cởi mở hơn. Cụ bắt đầu giảng giải từng điệu hát ả đào, từ nhịp đàn, đẩy hơi, nhả chữ… Rằng ca trù là loại hình khó hát ghê lắm, tiết tấu cũng khó nắm bắt cho trọn vẹn. Cái khó còn nằm ở chỗ đánh phách, gợi nhịp. Những “tom”, “chát” nghe thích thú là thế nhưng để điêu luyện thì có khi học cả đời không xong. Người hát ả đào phải có cái tài bẩm sinh, rồi khổ luyện bằng sự đam mê, thì mới mong người đời chịu lắng tai nghe câu hát của mình. Đã gần 90, cụ Bang vẫn còn nhớ rõ 8 giọng chính và 38 giọng lẻ, có thể ngồi “ví dụ” thế nào là giọng chầu văn, thế nào là giọng tuồng, rồi là xẩm, xướng tế, khóc. Cụ nhớ cả 40 bài hát miễu và hát nói, hơn chục bài hát thờ”. Hơn 60 năm không còn đụng đến cây đàn, có người hỏi cụ làm sao còn nhớ như in những câu hát tưởng chừng chỉ lãng đãng một tý là quên ngay được? Cụ Bang nói: “Từng câu, từng ý, từng lời hát ấy đã ăn vào máu thịt, tôi làm sao quên được. Nó như mạch nguồn, luôn tuôn trào những đêm không ngủ”.
Bây giờ, sự trọn vẹn hiến dâng tinh thần cho bộ môn nghệ thuật dân tộccủa cụ Bang đã được đền đáp phần nào. Mới đây, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tặng cụ Bang tấm kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa dân gian” và công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian đối với cụ. Những nỗi niềm dường như đã ở lại phía sau, giờ cụ Bang là người truyền dạy chính tại các lớp tập huấn ca trù do Sở VHTT Phú Thọ mở tại huyện Phù Ninh, TP Việt Trì nhằm khôi phục vốn cổ trên quê hương đất Tổ. Có lúc, cụ Bang lại về TP Việt Trì để bồi dưỡng ngón nghề cho diễn viên, nhạc công Đoàn chèo Phú Thọ. Nhiều học viên của cụ đã đoạt giải cao tại liên hoan ca trù toàn quốc...
Phạm Công Đảo
(Sở VHTT Phú Thọ)