Chén chè một thuở
Xã hội - Ngày đăng : 08:10, 03/03/2007
Cái “từ ghép” này tôi nghe thấy lần đầu ở quê, khoảng năm bảy hai, bảy ba gì đó, đến đầu năm 1974 lên Hà Nội học mới được “mục sở vị”. Cửa ga, sân ga, bến ô tô, vỉa hè, đầu phố, ngách nhỏ, giữa chợ, cổng các xí nghiệp..., chỗ nào cũng nhan nhản. Tôi ở kí túc xá Mễ Trì, hiển nhiên vô ối kỉ niệm về thầy, về bạn, qua đó là những “ấn tượng Thủ đô” được trải qua ở bốn, năm quán nước trước cổng.
Cái quán lũ sinh viên nghèo chúng tôi hay ngồi, hay “tiện thể” “cắm” là của bà Kiền, bấy giờ trạc sáu mươi, da bì, mặt tròn và lúc nào cũng đỏ au. Hàng dựng trên mấy cọc tre, có tấp liếp bên trên, mùa đông thì quây thêm mảnh ni lông cũ. Cái bàn ghép lại bằng mấy tấm gỗ đẽo gọt sơ sài, thời gian và cáu chè cáu thuốc làm đen kít lại. Ghế băng cũng xứng với bàn, là thanh gỗ đục bốn cái lỗ ra hai đầu, chêm vào đấy bộ chân tre hay gỗ thấp lè tè, đặt quây ba phía. Một cái lọ to, tròn dẹt, kiểu để nuôi cá vàng, đựng chè lam. Cái bé hơn, cũng thủy tinh đục đầy bọt nhưng không xanh bằng, thì đựng kẹo dồi. Lỉnh kỉnh tiếp theo là những lọ kẹo vừng, kẹo lạc, thuốc lá cuộn, không mác mà chẳng hiểu sao gọi thuốc “Con gà”. Chễm chệ bên cạnh, sang trọng hơn, là những Tam Đảo, Điện Biên, Sa Pa, thức nào cũng chỉ một bao. Cố nhiên là phải có lọ chè, tích nước, phích Rạng Đông và một lũ chén sành. Bà Kiền ngồi trong, lưng sát tường kí túc xá, trên cái ghế chả rõ “chất liệu” gì, hình tròn hay méo cũng chả hay, vì nó bọc cái tải gai đã sờn doãng, mầu nâu nâu xin xỉn như đã được nhuộm bao nhiêu lần bằng nước chè.
Sinh viên thời ấy được 18 đồng mỗi tháng, nộp nhà bếp 15 đồng cho hai bữa trưa và chiều. Gia đình cho thêm 15 đồng đã là nhiều, phải lo đi lại, mua sắm, đóng góp thứ này thức kia. Bởi vậy một anh hé ra ý định ra quán, lập tức ba bốn anh xung phong tháp tùng. Chỉ có năm sáu hào trong túi mà được đến bẩy tám vệ sĩ mặt mũi hớn hở bá vai bá cổ đi qua sân kí túc xá, anh “chủ chi” đâm ra lo, đem niềm vui cho chúng bạn mà cứ khó đăm đăm, ra điều phải cả nghĩ.
Cơm nhà bếp kí túc xá lúc nào cũng nửa bụng, thức ăn chả có gì. Nước để ngoài cửa để tráng mồm rất sẵn, nhưng là thứ pha gạo rang loãng tẹt luôn có mùi nước rửa bát, hơi mỡ lờn lợt. Thành bước ra khỏi bếp mà được chén nước chè thì quả là điều đáng mơ ước. Nhưng có cái tệ là “chị” nước chè lại cứ phải có đôi, phải kết với “anh” kẹo dồi hay kẹo vừng chi chi đó.
Năm xu chén nước chè. Một hào cái kẹo lạc, kẹo dồi hay hai miếng chè lam. Nếu chọn hai điếu thuốc cuộn thì dứt khoát phải cắt khoản kẹo. Chèpha sẵn trong ấm, ủ dành tích, một thứ nước màu nâu chan chát, dìu dịu, đi với kẹo dân gian rất hợp. Kẹo lạc nhai giòn cồm cộp, ngọt sắc, nhưng ăn chóng hết. Kẹo dồi được cắn miếng to nhưng lại bồm bộp nên cũng chóng biến mất trong khoang miệng. Một anh tỏ ra sành sỏi thò tay vào lọ kẹo dồi tìm cái “kẹo đầu”, mơ hồ cảm thấy nó mang được nhiều nhất cái vị thơm ngon của cả thanh kẹo dài trước khi bị cắt ra thành từng khúc. Liền bị bà Kiền gắt:
- Còn cái đầu nào nữa mà bới. Lúc sáng mấy thằng bên trường ngoại ngữ chúng nó nhặt hết cả rồi.
Thế nên, sành sỏi nhất là chọn chè lam. Những miếng chè ép mỏng, cắt vuông vuông bằng hai đầu ngón tay đen sì sì, lốm đốm trắng, khô và dai như da giầy, vừa có cái ngọt đường mật, cái ngậy của lạc, bột ngô, vừa có vị thơm cay của gừng, ăn mãi mới hết. Một anh cầm miếng chè lam gõ gõ vào lọ thủy tinh hoặc lên mặt bàn gỗ đen xỉn để bột ngô bám quanh rơi ra trước khi từ tốn cắn một miếng, vừa nhai vừa chiêm nghiệm, rồi lại chiêu ngụm nước chè. Uống kiểu ấy ra điều cảnh vẻ sành điệu, nhưng lại phí mất ít dưỡng chất.
Quán chè thời ấy vừa như cái căng tin sinh viên, vừa như cái câu lạc bộ. Nghe được ở đây đủ thứ chuyện trên đời. Một anh về quê xa lên, nghỉ hè hay tết nhất gì đó, dời bến xe điện Thanh Xuân, cuốc thêm đoạn đường chạy giữa cánh đồng nước mênh mông, tay xách túi quà, tay thủ trong túi - vì thế nào cũng có tí tiền u dúi cho. Đầu cổng kí túc xá có mấy anh bạn rồi mồm đứng chơi, thế là bữa tiệc mở ra. Chuyện quê hương, những mùa màng cấy hái thế nấy thế nọ, chuyển sang bông phèng hay tâm tình, những vấn đề văn chương, học thuật. Bạn trường khác đến chơi, bạn trai thôi, ngồi tiếp ở quán. Chia tay, tiễn biệt nhau cũng lôi ra đấy. Có anh không hiểu kiếm đâu ra tiền mà suốt ngày thấy “cắm”.
Mức sống thế nào, văn hóa thế ấy. Ngồi quán chiêu nước chè với thơ Ôn-ga Béc-gôn hẳn đã là sang. Nhưng “văn hóa” nhất là được “nhắm” các thầy. Toàn những tên tuổi cự phách trong làng nghiên cứu. Lần đầu tiên tôi thấy thầy Hoàng Xuân Nhị, thầy Đinh Gia Khánh dẫn dệu từ bến xe vào trường, chân dép lê, quần xắn móng lợn. Các thầy dừng lại ngồi vào những cái ghế trong quán bà Kiền, uống thứ nước xoàng xĩnh, thả ra bao điều cao siêu, cả tiếng ta lẫn tiếng tây. Thật là kì thú. Về sau đôi lần thấy thầy Nguyễn Tài Cẩn đứng trước quán hút thuốc lá bầm bập, vừa vung tay vừa nói như vãi đạn vào đám sinh viên thì lại cảm thấy rất bình thường. Dù sao, dù thế nào, các cuộc “quan chiêm” ấy tạo nên cái bản sắc vừa xuyềnh xoàng vừa kì bí cho các quán chè Hà Nội. Sau này ở các tỉnh thành cả nước, ngay giữa sân ga Sài Gòn cũng có quán nước mở ra, nhưng chả đâu dầy đặc bằng và cái vẻkia cũng chả thấy. Tại sao ấy nhỉ, tại sao ta chỉ cảm thấy nó khi uống ở Đất Thánh...
Đặng Hồng Nam