Công nghiệp văn hóa: Sức hấp dẫn từ tài nguyên di sản
Văn hóa - Ngày đăng : 06:12, 18/02/2023
Sáng tạo từ chất liệu riêng có
Sau thành công ấn tượng của chuỗi hoạt động trải nghiệm “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”, mới đây, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ra mắt công chúng sản phẩm văn hóa mới mang tên “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”, tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi với những câu chuyện lịch sử có thật tại Nhà tù Hỏa Lò.
Theo đó, số hoạt cảnh tái hiện được tăng lên, giúp công chúng cảm nhận chân thực, sâu sắc hơn về cuộc sống khắc nghiệt nơi “địa ngục trần gian”, không khí đấu tranh sôi sục của những bậc tiền bối cách mạng, như: Hoạt cảnh liệt sĩ Nguyễn Hoàng Tôn hiên ngang đón nhận cái chết bởi máy chém trước Nhà tù Hỏa Lò năm 1931; cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1933; phong trào “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”; hành trình vượt ngục năm 1945, hay cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ.
Là thuyết minh viên của hoạt động trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 3”, bà Lã Thị Thủy (Phòng Truyền thông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò) cho biết, các hoạt cảnh được dàn dựng chân thực, góp phần làm nổi bật hình tượng những người con kiên trung của đất nước. Đặc biệt, du khách được nhập vai tù chính trị để trải nghiệm sự tối tăm, ngột ngạt của các phòng giam, xà lim; sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục..., từ đó có cảm nhận rõ rệt nhất về tinh thần vượt lên gian khổ, ngọn lửa thanh xuân nhiệt huyết, bền bỉ trong chốn lao tù.
Trước đó, tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội”, kể lại hành trình phục hồi di sản từ một “Chùa Quạ” vì mức độ hoang phế trong quá khứ, đến hình ảnh uy nghi, bề thế như hiện nay. Với nhiều tư liệu quý được sắp đặt theo hành trình ngược thời gian, triển lãm đồng thời cũng nêu bật sự nỗ lực, quyết tâm không mệt mỏi của những người tham gia nhận diện, trùng tu, bảo tồn di sản, nhằm bảo vệ di sản trước tác động mạnh mẽ của thời gian.
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, triển lãm là một trong nhiều hoạt động văn hóa nhằm phát huy giá trị di tích, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của du khách trong và ngoài nước.
Thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa
Cùng với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh xây dựng, sáng tạo những sản phẩm văn hóa mới, nhằm tăng sức hút cho điểm đến. Tiêu biểu như Khu di sản Hoàng thành Thăng Long với tour trải nghiệm “Đêm Hoàng cung”, nối tiếp chương trình tham quan “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” khởi động từ năm 2021; Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - đền Và - Đường Lâm” gắn với những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, văn hóa xứ Đoài; Bảo tàng Hà Nội trong năm qua cũng lần lượt ra mắt các trưng bày “Nếp xưa”, “Hà Nội đất trăm nghề”, “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình” từ nguồn tư liệu, hiện vật phong phú… đang lưu giữ. Điều đáng nói, dù đều lấy cảm hứng, chất liệu từ nguồn vốn di sản, song mỗi sản phẩm văn hóa ra đời đều tạo được ấn tượng từ bản sắc riêng, góp phần lôi cuốn, hấp dẫn khách tham quan.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), các trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội thực sự tạo nên những sản phẩm văn hóa có chiều sâu, giàu bản sắc cho đời sống hôm nay. Còn bà Nguyễn Bích Ngọc (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) rất xúc động với những câu chuyện lịch sử tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. “Đây là phương pháp tiếp cận di sản sống động và hấp dẫn với nhiều lứa tuổi, chứ không chỉ là một nhóm đối tượng đặc thù…”, bà Nguyễn Bích Ngọc chia sẻ.
Nói về hiệu quả trong phát huy giá trị di sản tại bảo tàng, di tích thời gian gần đây, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức cho rằng, di sản văn hóa là tài sản quý giá, nếu biết bảo tồn và khai thác, không những giữ được các giá trị vô giá của tiền nhân để lại, mà còn có thể trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, một ngành kinh tế mũi nhọn... “Hà Nội cần đào tạo đội ngũ am hiểu về văn hóa; hoạch định các chương trình dài hơi, cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, giàu bản sắc, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản bền vững”, ông Nguyễn Viết Chức nói.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, thành phố đang triển khai các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện ngành Văn hóa Thủ đô đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan chú trọng xây dựng, hoàn thiện các hoạt động trải nghiệm, các cuộc trưng bày, triển lãm… ngày một sáng tạo, hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn, góp phần phát huy hiệu quả giá trị di sản, nâng sức hấp dẫn cho điểm đến, từng bước thúc đẩy du lịch văn hóa Thủ đô phát triển.